Không nên quy định rõ tên các mạng xã hội trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Việc đưa mạng xã hội vào việc công khai thông tin cho dân biết là tiến bộ, hiện đại tuy nhiên không nên quy định rõ tên các mạng xã hội vào trong luật là ý kiến của các đại biểu trong buổi góp ý dự án luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tổ chức.

Cụ thể, theo các đại biểu tại điểm G, khoản 1, Điều 10 dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc công khai thông tin cho người dân sẽ được thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook, tuy nhiên hiện nay còn rất nhiều mạng xã hội khác có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ngoài các mạng xã hội nêu trên vì vậy theo các đại biểu không nên quy định rõ tên các mạng xã hội trong luật.

Ông TRẦN HỮU TUẤN, Phó Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận: “Tôi đề nghị không nên quy định cụ thể tên của các mạng xã hội, vì theo xu hướng thì mạng xã hội phát triển không dừng lại ở 3 mạng xã hội trong dự thảo nêu. Hiện nay, chúng ta cũng đang sử dụng mạng xã hội Lutus, Tiktok, nên tôi đề nghị nên sửa đổi thành, thông qua các mạng xã hội theo quy định của pháp luật, tức là các mạng xã hội nào pháp luật cho phép lưu hành thì chúng ta sử dụng để phổ biến công khai thông tin." 

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 28 về nhiệm vụ kiểm tra chính quyền cấp xã của ban thanh tra nhân dân để đảm bảo tính thống nhất, không xung đột giữa các luật.

Ông TRẦN HỮU TUẤN, Phó Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận: “Theo quy định tại Điều 28 dự thảo luật về việc kiểm tra chính quyền cấp xã, thì theo Điều 66 Luật Thanh tra, Ban Thanh tra nhân dân không có quyền kiểm tra chính quyền cấp xã và giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật tại nơi ở của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền cấp xã, theo quy định tại khoản 2 Điều 31 dự thảo luật vì vậy cần nghiên cứu, bổ sung các nội dung kiểm tra chính quyền cấp xã." 

Các ý kiến của các đại biểu trong buổi góp ý luật sẽ được đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tổng hợp trình Quốc hội trong thời gian tới.

Triệu Nguyễn