Kiều bào mong muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nhiều năm gần đây không chỉ hỗ trợ người thân mà còn có xu hướng dùng cho đầu tư, kinh doanh, sản xuất. Nguyên nhân là do chính sách, môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng cởi mở, thông thoáng, tạo niềm tin cho kiều bào chuyển tiền về nước.

Công ty liên kết Thương mại Toàn cầu, do ông Nguyễn Ngọc Luận – kiều bào Úc làm Tổng Giám đốc, đang triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất tại Củ Chi, TP.HCM, trong năm 2023, bằng nguồn đóng góp của nhiều kiều bào. Sản phẩm của chế biến của cty chủ yếu từ các loại nông sản Việt Nam như Café, thanh long, xoài, dừa …đã có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu.

Ông NGUYỄN NGỌC LUẬN, Kiều bào Australia: “Đối với chúng tôi là những người Việt Nam, mang dòng máu, niềm tự hào của người Việt. Khi mà chúng tôi trở về đây, thăm người thân, người nhà đã có nhiều cảm xúc, chúng tôi muốn làm cái gì đó trên chính quê hương. Và tôi đã mở doanh nghiệp sản xuất trên chính quê hương của chúng ta.”

Năm 1997, bà Ngô Phẩm Trân sang Đài Loan du học, rồi làm tại Bộ Văn hoá Đài Loan. Hơn 25 năm định cư, làm việc ở Đài Loan, bà Phẩm Trân được xem như sứ giả ngoại giao, xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan. Bà mong muốn được đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Bà NGÔ PHẨM TRÂN, Kiều bào Đài Loan (Trung Quốc): “Dự kiến hiệp hội của chúng tôi có 3 dự án sẽ bắt đầu động thổ, 2 dự án ở phía Bắc và 1 ở phía Nam, cả 3 dự án lên đến gần 10 triệu USD”
Năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD, và riêng TP HCM chiếm 6,8 tỷ USD. Phần lớn kiều hối của kiều bào gửi về để hỗ trợ người thân, một phần khác chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh: “Về mặt chính sách tiền tệ nói chung và ngoại hối nói riêng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ VN ở nước ngoài cũng như Việt kiều chuyển tiền về trong nước. Cùng với đó là hệ thống chi trả kiều hối ở các ngân hàng thương mại đáp ứng tất cả nhu cầu chi trả kiều hối cho người dân trong nước. Đó là yếu tố thu hút kiều hối nước ngoài trở về”

Theo thống kê của NHNN, năm 2022, lượng kiều hối về Việt Nam giảm so với năm 2021. Nguyên nhân là do kinh tế nhiều nước gặp khó khăn, biến động chính trị … từ đó dòng vốn này giảm cả về lượng và chất.

Phạm Quyền