Làm rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa Quốc gia

Tiếp tục phiên họp thường vụ thứ 18, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là đề xuất áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Do đây là vấn đề mới và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm nên nhiều ý kiến Ủy ban
Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về mô hình, tổ chức của Hội đồng này.

Thống nhất với sự cần thiết phải quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và nước ta cũng chưa có kinh nghiệm; do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu thêm để quy định cụ thể, làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải làm rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia là cơ quan quản lý nhà nước hay hội nghề nghiệp, đồng thời quy định cụ thể về việc thành lập cũng như vai trò của hội đồng này trong việc đánh giá năng lực y bác sĩ. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, với việc đánh giá năng lực, hội đồng y khoa chỉ nên làm đầu mối.

Trao đổi làm rõ hơn tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận cách thể hiện trong dự thảo luật về Hội đồng Y khoa quốc gia còn chưa rõ. Đồng thời cho biết, mô hình này đã được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tùy thuộc từng quốc gia, hoạt động của hội đồng này khác nhau. Sau khi nghiên cứu và thảo luận, cơ quan soạn thảo, nhận thấy với điều kiện của Việt Nam vẫn phải thành lập mô hình mới này; trong đó, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ là cơ quan phối hợp.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, gửi xin ý kiến bằng văn bản; nếu đảm bảo yêu cầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Như Thảo