Làn sóng sa thải trong ngành công nghệ Đông Nam Á

Tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng, khiến cho nhiều công ty buộc phải đóng băng tuyển dụng và cắt giảm nhân sự. Các công ty công nghệ ở Đông Nam Á cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của làn sóng này. Đây là chủ đề đang được báo chí thế giới đề cập và phân tích.

Một bài viết trên tờ Nikkei Asia đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến làn sóng cắt giảm nhân sự của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trong khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên, tác giả cho rằng các doanh nghiệp đã tăng trưởng về kích cỡ quá nhanh trong thời gian đỉnh điểm của dịch Covid-19, nhân viên được ký hợp đồng với nhiều chính sách đãi ngộ. Nhưng sau khi làn sóng lạm phát khiến nền kinh tế toàn cầu chậm lại, các doanh nghiệp đã phải lựa chọn giải pháp củng cố nguồn lực thông qua tái cơ cấu và xây dựng một lực lượng lao động phù hợp hơn với tình hình. Bên cạnh đó, làn sóng sa thải nhân sự từ các doanh nghiệp lớn từ phương Tây cũng dã có tác động lớn tới khu vực Đông Nam Á khi có 80 trên tổng số 100 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đóng tại đây. Bài viết đặt ra câu hỏi liệu làn sóng sa thải sẽ lan rộng như thế nào và kéo dài trong bao lâu?

Một bài phân tích trên trang CNBC đánh giá các doanh nghiệp công nghệ tại Đông Nam Á đang bước vào chu kỳ suy thoái sau do sụt giảm về nhu cầu của thị trường. Tác giả đã đưa ra con số thống kê trong đó các doanh nghiệp trước đó đã gặt hái nhiều thành công như Sea Group, công ty mẹ của Garena đã phải sa thải hơn 7000 nhân viên trong 6 tháng cuối năm 2022, hay Goto đã phải cắt giảm 12% tổng số nhân viên, tương đương với khoảng 1300 người.

Tác giả bài viết cũng lập luận rằng các doanh nghiệp công nghệ tại Đông Nam Á đang có xu hướng chuyển dịch từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững sau một thời gian phát triển nhanh chóng về cả quy mô và lợi nhuận nhờ dịch Covid-19. Giờ đây khi người dân nhiều quốc gia bắt đầu làm quen với tình hình mới, các doanh nghiệp này lại phải đối mặt với sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế và một bộ máy quá cồng kềnh. Tác giả cho rằng điều các doanh nghiệp đang làm là cắt giảm chi phí, tối đa lợi nhuận, trong thời điểm mà có thể đoán định được liệu thị trường toàn cầu và khu vực có cải thiện hay không trong thời gian tới.