Lao động di cư và câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh

Lao động di cư, họ quê quán từ khắp nơi để lên các thành phố lớn để mưu sinh. Từ bán hàng, nhặt ve chai, bốc vác…với đủ mọi nghề, họ chỉ hy vọng thay đổi cuộc sống nơi quê nghèo. Nhưng lên thành phố, mọi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn trăm bề khi không nhà, không công ăn việc làm ổn định.

Và câu chuyện về 2 vợ chồng ông Quang, bà Ly với hơn 50 năm ngụ cư tại Hà Nội là một trong những hoàn cảnh bi đát khi cuối đời vẫn rơi vào hoàn cảnh éo le, thiếu thốn.

Mỗi ngày như mọi ngày, bà ly lại dong duổi trong các con ngõ nhỏ để nhặt ve chai, phế liệu. Đây là kế sinh nhai của bà trong suốt nhiều năm qua. Để bươn chải với cơm áo gạo tiền thì kể cả ngày lễ, tết bà vẫn tranh thủ để kiếm vài chục mưu sinh qua ngày.

Nơi được gọi là nhà cũng chỉ là những mảnh ghép chắp vá bà đi xin hay nhặt về để dựng lên ở tạm. Không nhà, không cửa…tưởng rằng khi về già sẽ có được hạnh phúc và nương nhờ vào con cái nhưng 4 người con của ông bà lại lần lượt ra đi do đuối nước và bệnh tật mà không có tiền chữa chạy.

Số phận éo le, nhưng cái nghèo lại cứ đeo bám mãi ông Quang, bà Ly. Dù không nhà, không cửa nhưng họ vẫn lập 1 chiếc bàn thờ nhỏ để thờ cúng tổ tiên và những người con đã mất. Dù chẳng có điều kiện nhưng trong cả 1 năm khi lễ, tết, ông bà vẫn cố gắng sắp 1 mâm cơm tươm tất để dâng lên ông bà, tổ tiên. Chẳng cầu gì cao sang, phú quý nên có lẽ sức khỏe chính là thứ quý giá nhất mà ông bà mong mỏi lúc này.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong mỗi chúng ta luôn mong cầu tài, lộc, Nhưng với 2 vợ chông ông Quang, bà Ly thứ mà họ cần lúc này lại là sức khỏe. Hơn 50 năm lang bạt, ngụ cư nơi này với đủ mọi nghề nhưng cuộc đời họ vẫn long đong, lận đận, trôi dạt giữa chốn phồn hoa, đô thị khi cái nghèo đeo bám đến hết cuộc đời.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Anh Khoa