Động đất ở Kon Tum: Chính quyền thừa nhận lúng túng trong ứng phó

Các trận động đất liên hoàn tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản, tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhìn nhận, người dân, chính quyền địa phương vẫn còn rất lúng túng trong công tác ứng phó.

Liên quan đến các trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai với rất nhiều chuyên gia đến từ các bộ, ngành vào vào Kon Tum đi kiểm tra thực tế. 

Đoan đã đến các địa phương có xảy ra rung chấn để nắm bắt tình hình, thăm hỏi người dân, kiểm tra tại thủy điện Thượng Kon Tum, được cho là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ động đất vừa qua. Sau kiểm tra, lãnh đạo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đánh gia,  phần lớn tâm lý người dân tỏ ra lo lắng, chính quyền địa phương lúng túng trong công tác ứng phó với động đất. 

Ông NGUYỄN ĐỨC QUANG - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai: Tình hình động đất ở địa phương đã gia tăng kể cả về cường độ và tần suất. Đặc biệt, trưa ngày 18/4  đã xảy ra trận động đất 4,5, lớn nhất tại đây, với mức độ 4,5, thấp hơn một chút so với trận động đất cách đây 10 năm, xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2, độ lớn 4,7. Thiệt hại của địa phương, qua kiểm tra thực tế, cho thấy chưa lớn, chưa thiệt hại về người và tài sản. Thế nhưng, với sự gia tăng liên tục về tần suất và cường độ cũng làm cho tâm lý người dân bất an và lo lắng. Chúng tôi đi kiểm tra ở một số trường học và thấy rằng thầy cô, người dân cũng rất lo lắng và bất an, đêm ngủ với tiếng động đất, rung lắc làm cho người không yên tâm sản xuất, sinh hoạt.”

Về kết cấu hạ tầng, nhà ở, đoàn công tác cũng đánh giá các công trình, khu dân cư có kết cấu thô sơ, nằm bên các thung lũng, sườn đồi, nguy cơ xảy ra thiệt hai khi có động đất mạnh là rất lớn. Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Kon Plông cũng thẳng thấn thừa nhận vấn đề này.

Ông LÊ ĐỨC TÍN - Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: Với điều kiện về kinh tế, xã hội của huyện nói chung và cũng như mức sống, thu nhập của dân ở đây, việc đáp ứng an toàn trong mức độ do thiên tai, động đất, từ trước tới giờ chưa tính tới nhiều. Đa số ở đây người dân sống ở nhà sàn, kỹ thuật xây dựng đã cũ, qua cuộc họp này, huyện sẽ rà soát để báo cáo với tỉnh, Ban Thường vụ huyện ủy có định hướng trong thời gian tới có những công trình xây dựng mới.”

Không chỉ vậy, lãnh đạo sở ngành của tỉnh Kon Tum cũng thừa nhận với đoàn công tác, địa phương gần như lúng túng, không có phương án hay bất kỳ kịch bản nào để ứng phó khi có động đất xảy ra và đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ trung ương.

Ông VĂN TẤT CƯỜNG - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum: “Việc cảnh báo mức độ có khả năng xảy ra và nguy cơ xảy ra, chính quyền địa phương chúng tôi không thể làm được vì không có chuyên môn, tất cả trông chờ vào đơn vị chuyên môn. Hỗ trợ càng sớm được bao nhiêu càng tốt, tất nhiên không yêu cầu cầu hoàn toàn nhưng  ở mức độ nào đó như xây dựng được các kịch bản ứng phó kịp thời là cần thiết.”

Sau các buổi làm việc, khi kiểm tra thực tế, lấy ý kiến chuyên gia, đoàn công tác đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Kon Tum giao cơ quan chuyên môn phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, các cơ quan khoa học khẩn trương triển khai nghiên cứu về tình trạng động đất, rung chấn; sau đó có báo cáo rà soát và đánh giá tổng thể, từ đây Ban Chỉ đạo sẽ có tham mưu Chính phủ đề ra những giải pháp căn cơ, lâu dài để ứng phó tình hình động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum./.

Đức Hưng