Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi): Phải chứng minh "tiền sạch" trước khi thực hiện hành vi

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, tiền ảo và tài sản ảo cũng ngày càng thâm nhập vào đời sống xã hội. Và không tránh khỏi đây là phương tiện để rửa tiền. Quản lý lĩnh vực này là thách thức rất lớn với các cơ quan chức năng, khi ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng tiền ảo, tài sản ảo.

Nhà nước Việt Nam chưa công nhận tiền ảo. Trong khi với nền kinh tế mở, Việt Nam đang dần trở thành là thị trường tiền ảo và có lượng lớn người sử dụng tiền ảo. Ở Châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, để phòng chống rửa tiền theo sát thực tế, việc quản lý tài sản ảo, tiền ảo cần phải được luật hóa – nghĩa là đưa vào diện quản lý “đặc biệt”.

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư, nhấn mạnh đến nội dung đưa sử dụng, quản lý tiền ảo, tài sản ảo vào Luật để xác định hành vi liên quan. Ngoài phòng chống rửa tiền trong nước, quản lý tiền ảo, tài sản ảo còn phải thực hiện xuyên suốt với nhiều nước trên thế giới bởi hành vi rửa tiền luôn phức tạp và tinh vi, cần có sự phối hợp chặt chẽ và tuân thủ theo các nguyên tắc Luật pháp quốc tế.

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) kỳ vọng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với Phòng, chống rửa tiền, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và khắc phục được các vướng mắc, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Nguyễn Sơn