"Ma trận hành chính" đẩy doanh nghiệp vào cảnh "chắc chắn sẽ vi phạm"

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ diễn ra Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 với chủ đề: Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Đây là sự kiện thường niên do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học – xã hội Việt Nam tổ chức. Trước thềm Diễn đàn này, từ hôm nay, THQHVN sẽ có những ghi nhận các số liệu, vấn đề, ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề sẽ được thảo luận trong diễn đàn như: Hỗ trợ doanh nghiệp ; Nâng cao năng suất lao động, an sinh xã hội, kiến tạo động lực phát triển...

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội…Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu mới nhất, trong 8 tháng đầu năm nay, đã có 125 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận thực tế thì doanh nghiệp không chỉ chịu sự tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, nhiều ngành hàng còn đang gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh doanh. Đây là những sự cản trở, những sợi dây vô hình “trói” chân doanh nghiệp. 

Nhằm tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 và yêu cầu Bộ Y tế phải bỏ quy định: “ Bổ sung iốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ”.

Thế nhưng, thay vì thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế lại lấy ý kiến các bên liên quan để đề xuất Chính phủ không thực hiện việc bãi bỏ quy định này trong chế biến thực phẩm. Từ đó tới nay, Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm vẫn tiếp tục loay hoay với những khó khăn này.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì phản ánh, nhiều quy định mới đang đẩy doanh nghiệp ngành này vào ma trận thủ tục hành chính, thậm chí còn vào tình trạng “chắc chắn sẽ vi phạm”. Đơn cử như Quyết định 490 của BHXH sửa đổi có hiệu lực vào đầu tháng 4 vừa qua. 

Có thể thấy, đại dịch Covid -19  và sự tụt dốc của môi trường kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của doanh nghiệp. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa, điều doanh nghiệp thực sự cần là những cải cách vượt trội, quyết liệt về cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý để giúp doanh nghiệp  tồn tại và phát triển qua giai đoạn khó khăn này. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền -

Sỹ Cường -

Minh Công