Mua bán dữ liệu cá nhân trở nên phổ biến, công khai và có nhiều nguy cơ mới

Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân để lừa đảo đang diễn ra phức tạp. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng đã thu thập thông tin của nhiều người, sau đó liên hệ và lừa đảo nạn nhân qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng phổ biến. Nguy hiểm hơn, đang có sự móc nối với tổ chức, cá nhân quản lý thông tin cá nhân để thu thập trái phép, mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Ghi nhận tại Đà Nẵng.

Đối tượng Trần Văn Hào bị Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP Đà Nẵng khởi tố hành vi “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác”. Từ năm 2020, Hào đã mua 57 tài khoản ngân hàng của 10 người khác, giao lại cho bên thứ 3, kiếm chênh lệch hơn 166 triệu đồng. Trong số tài khoản được Hào mở và đăng ký có tài khoản dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cuối tháng 8 vừa qua, công an thành phố Đà Nẵng cũng phát hiện 2 đường dây mua hơn 10.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân và hơn 7 ngàn thẻ sim kích hoạt sẵn. Nhóm này đã đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử, sau đó bán cho các đối tượng lừa đảo.

Từ đầu năm đến nay, riêng trên địa bàn Đà Nẵng đã khởi tố 26 vụ và 64 đối tượng. Trong số đó, cơ quan chức năng xác định nhiều đối tượng móc nối và mua thông tin từ người có thẩm quyền quản lý thông tin cá nhân của một số ngân hàng.

Nghị định 13/2023 của Chính phủ có đề cập đến trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhiều hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu cá nhân. Bên cạnh các quy định bổ sung của pháp luật, lực lượng chức năng cần có nhiều biện pháp hơn nữa, để tăng cường bảo vệ an toàn thông tin cho người dân, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Hùng -

Lê Quang