Mục tiêu kiểm soát chỉ tiêu lạm phát khả thi

Lạm phát toàn cầu trong nửa đầu năm đã giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giá năng lượng giảm. So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm quốc gia có mức lạm phát cao khi CPI tháng 6/2023 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, 6 tháng cuối năm, những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như lương cơ bản hay thời điểm mua sắm cuối năm cũng có thể thay đổi đáng kể chỉ số này.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2023 được tổ chức sáng 4/7.

Trong bối cảnh giá cả, lạm phát thế giới ở mức cao thì tại thị trường trong nước, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản. Diễn biến chỉ số CPI so với tháng trước cho thấy xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3 CPI đã quay đầu giảm kéo dài sang hết tháng 4 và đến tháng 5, tháng 6 có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao là khả thi.

Có nhiều yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như lương cơ bản từ 1/7 hay thời điểm mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng các thị trường thì có thể giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới ảm đảm cũng như các yếu tố biến động phức tạp của giá hàng hóa trọng yếu thế giới như nguyên nhiên vật liệu và các dự báo giá một số hàng hóa dịch vụ trong nước, Bộ Tài chính cũng cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá. Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật giá sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.