Mỹ quyết tâm giành lại ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có mặt tại A-rập xê-út , điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông. Trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông ngày càng suy giảm, đây là một chuyến thăm quan trọng giúp Mỹ truyền đi thông điệp về việc luôn giữ vững các cam kết với khu vực, đồng thời thể hiện quyết tâm lấy lại ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực như trước đây.

Tại A-rập xê-út, Tổng thống Mỹ cùng lãnh đạo nước chủ nhà đã chứng kiến việc ký kết 18 thỏa thuận hợp tác thuộc các lĩnh vực không gian, đầu tư, năng lượng và y tế, phù hợp với Kế hoạch Tầm nhìn 2030 của A-rập xê-út nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực có triển vọng. Dự kiến trong ngày hôm nay, ông Biden có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Jeddah, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cùng với Ai Cập, Iraq và Jordan (còn gọi là GCC+3), nơi ông sẽ xác định các cách tiếp cận mới của Mỹ đối với khu vực sau những diễn biến khu vực và toàn cầu trong thời gian gần đây.

Theo các nhà phân tích, tình trạng lạm phát, giá xăng dầu tăng cao do xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến ông Biden phải tranh thủ các nước Trung Đông nhằm tăng nguồn cung giữa lúc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần, thêm vào đó, trong chuyến đi này ông Biden cũng phải tìm cách lôi kéo thêm quốc gia ủng hộ chiến dịch cô lập Nga.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Điểm mấu chốt là chuyến đi này nhằm một lần nữa định vị Mỹ trong khu vực này trong tương lai. Chúng tôi sẽ không để lại khoảng trống ở Trung Đông cho Nga hoặc Trung Quốc lấp đầy. Và chúng tôi đang nhận được kết quả.”

Trước đó, khi thăm Israel, Mỹ đã cùng nước này, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm đối thoại I2U2 theo hình thức trực tuyến. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã công bố sáng kiến ứng phó với khủng hoảng an ninh lương thực và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Tại Bờ Tây, ông Biden đã gặp các lãnh đạo Palestine nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel - Palestine, bao gồm các biện pháp bình đẳng về an ninh, tự do và tạo cơ hội cho người dân Palestine. Dù không đưa ra đề xuất mới nào để khởi động lại cuộc đối thoại chính trị đang bị đình trệ giữa hai bên, song Tổng thống Mỹ đã cam kết chi thêm hàng trăm triệu USD cho vấn đề nhân đạo. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: "Người dân Palestine đang bị tổn thương. Bạn có thể cảm nhận được điều đó, sự đau buồn và thất vọng. Ở Mỹ, chúng tôi có thể cảm nhận được điều đó, nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực vì hòa bình."

Trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng ngày càng suy giảm do các đối thủ tăng cường ảnh hưởng, chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Biden từ khi nhậm chức đến nay là cơ hội để Mỹ hài hòa được các lợi ích của mình với các quốc gia tại khu vực này. 

Vân Hương