Năm 2023 dự kiến vay và trả nợ Chính phủ thấp hơn kế hoạch và dự toán

Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách. Đáng chú ý, năm nay dự kiến vay và trả nợ Chính phủ thấp hơn kế hoạch và dự toán.

Theo Bộ trưởng Tài chính, Năm nay, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay Chính phủ là 621 nghìn tỷ đồng, tổng trả nợ Chính phủ là hơn 327 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên dự kiến năm 2023 cả vay và trả nợ Chính phủ đều sẽ thấp hơn kế hoạch và dự toán.

Các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm giai đoạn 2021-2023 đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban TCNS chỉ ra 1 số vấn đề đáng chú ý. Vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài ra, Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước.

Số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài rất chậm, trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực.

Trong báo cáo gần đây nhất vào tháng 8 vừa qua, Ngân hàng thế giới đã đánh giá nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh của Việt Nam vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam