Ngành y với những bất cập chính sách tiền lương và vị trí việc làm

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, trong đó lần gần đây nhất là năm 2003. Dù đã được quan tâm và từng bước cải thiện, tuy nhiên đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và khá thấp. Đặc biệt, tiền lương chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động.

Hiện cách trả lương bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở đã khiến cho tiền lương khu vực công đang thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương. Đây cũng chính là nguyên nhân căn bản khiến cho khu vực công đứng trước bài toán khó giữ chân và thu hút nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao.

Còn nhớ thời điểm sau đại dịch Covid-19, cả nước chứng kiến làn sóng nghỉ việc của cán bộ y tế. Để giữ chân và thu hút nhân lực, ngành y tế đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Thế nhưng, đây mới chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Cả nước vấn tiếp tục ghi nhận tình trạng nhiều cán bộ nhân viên y tế có trình độ, có kinh nghiệm xin nghỉ việc.

Đội ngũ công chức, viên chức là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm. Song thực tế cho thấy, mức tiền lương độ đãi ngộ chưa tương xứng với họ. Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư do thu nhập thấp; tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm là 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế. 

Việc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rời khỏi khu vực công nêu trên, đòi hỏi cần phải có những hành động quyết liệt hơn về thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới. Mới đây, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết và giao Chính phủ sẽ trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương, theo Nghị quyết 27 kể từ 1/7/2024. Vừa qua, tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lộ trình cải cách tiền lương sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. 

Đảng, Nhà nước sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, góp phần cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương để yên tâm công tác”. Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trước mong mỏi này, chính sách tiền lương chắc chắn là sẽ một nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả đại biểu và cử tri nhân dân tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, khai mạc vào 23/10 tới đây.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam