• 1105 lượt xem
  • 16:12 19/04/2022
  • Văn hóa

Nghề thủ công Huế phải ứng dụng công nghiệp sáng tạo để cạnh tranh

Ngày 18/4, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn đàn “Phát triển công nghiệp sáng tạo các ngành nghề truyền thống Huế” nhằm tìm kiếm các ý tưởng hiến kế nâng tầm cạnh tranh của nghề thủ công trong tình hình mới.

Hiện Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề truyền thống, 37 nghệ nhân và thợ thủ công tay nghề cao. Các nghề như dệt zèng, pháp lam, đan lát… có độ tinh xảo và mỹ thuật cao, tuy nhiên đều chậm chân trong cuộc chơi ứng dung công nghiệp sáng tạo dẫn đến các sản phẩm có sức cạnh tranh kém. Để giúp nghề thủ công “sống khỏe” trong bối cảnh hội nhập, các chuyên gia đề xuất nghệ nhân, thợ làm nghề phải ứng dụng công nghệ trong việc thay đổi mẫu mã, đẩy mạnh tiếp thị qua kênh truyền thông số.

Nhà thiết kế ĐẶNG QUỐC VIẾT BẢO - Tỉnh Thừa Thiên Huế: “Một thực tiễn lâu nay là dù là vùng đất du lịch nhưng sản phẩm thủ công mỹ nghệ lại đến từ địa phương khác, Huế trở thành nơi tiêu thụ nguyên liệu. Vấn đề là làm sao các làng nghề rất đông, trên 86 làng nghề, phải có thiết kế rất đương đại, sản phẩm đến được tận tay khách du lịch.”

Ông CUNG TRỌNG CƯỜNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế: “Với điểm nghẽn mà chúng tôi cho là về vấn đề mẫu mã, công nghệ sản phẩm thì liên quan quá trình sản xuất. Vậy chúng ta phải đưa công nghệ vào sản xuất với tay nghề rất cao của nghệ nhân để phối hợp, đặc biệt chú trọng vào thiết kế, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Từ đó chúng ta sẽ có nhiều cách đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.”

Các ý kiến cho rằng dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức mua bán truyền thống vì vậy các nhà sản xuất phải chủ động tìm kiếm khách hàng, thậm chí tính đến việc ship hàng đến tận tay khách thay vì chỉ trưng bày ở không gian truyền thống như hiện nay. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì thêm chính sách hỗ trợ làng nghề, kênh tiếp thị và truyền thông, qua đó giúp nghệ nhân bán được nhiều hàng hóa hơn.

Tiểu Bảo