Nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh tặng Truyền hình Quốc hội tượng Bác Hồ

Kỷ niệm 78 năm ngày Bác Hồ bỏ lá phiếu đầu tiên của Quốc hội Việt Nam khóa 1, cũng là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa , kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam trang trọng đặt bức tượng Người tại Phòng truyền thống ở trụ sở 35 Ngô Quyền, nơi được coi là trụ sở của nhiều cơ quan của Quốc hội từ những ngày đầu tiên lập quốc… Đây cũng được xem là tác phẩm điêu khắc đầu tiên về Bác lấy cảm hứng từ việc Người đi bỏ phiếu.

Nhà điêu khắc Trần Quốc Thịnh sinh năm 1976 tại Hà Nội. Thừa hưởng ren mỹ thuật của người cha – nghệ nhân dân gian Trần Văn Bình, từ nhỏ, cậu bé Trần Quốc Thịnh luôn khao khát được sáng tạo. Tốt nghiệp xuất sắc khoa Điêu khắc học viện Mỹ thuật Hàn lâm Surikov Liên bang Nga, Trần Quốc Thịnh trở về làm giảng viên Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu. Như bông lúa chín cúi đầu, Trần Quốc Thịnh lánh xa mọi ồn ào của cuộc sống và lặng lẽ sáng tạo theo cách riêng của mình. 

Nhận thấy tài năng của nghệ sỹ Trần Quốc Thịnh, Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh đã đưa ra ý tượng, đặt một bức tượng riêng về Bác Hồ cho Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Điểm khó là, đã có quá nhiều những bức tượng về Bác Hồ. Vậy đâu sẽ là một sáng tạo riêng của nghệ sỹ Trần Quốc Thịnh? Đâu sẽ là một dấu ấn riêng trong hình tượng Bác Hồ của Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam? Sau nhiều lần bàn thảo, bức ảnh cuối cùng Tổng Giám đốc Lê Quang Minh chọn đó hình ảnh Bác Hồ đi bỏ phiếu cử tri. Một hình ảnh đẹp, mang tính biểu tượng cao của Quốc hội. 

Thêm một điều thú vị trong câu chuyện tạc tượng Bác Hồ đi bầu cử đó là, thay vì “trả đơn đặt hàng”, nghệ sỹ điêu khắc Trần Quốc Thịnh, sau khi trò chuyện với các văn nghệ sỹ, đã quyết định tặng bức tượng đặc biệt này cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam 

Bức tượng Bác Hồ đi bỏ phiếu sẽ được đặt tại nơi trang trọng nhất của Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Ở đó, toàn thể cán bộ nhân viên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể nhìn thấy Người hàng ngày, như một sự nhắc nhớ về sự cống hiến của Người cho đất nước, cho dân tộc. Hy vọng, câu chuyện này cũng sẽ mở ra những ý tưởng mới về sáng tạo chân dung Bác, về việc kết hợp giữa các cơ quan chức năng đặt tượng Bác Hồ và các nghệ sỹ sáng tác. Để làm sao, qua điêu khắc, qua mỹ thuật, những cống hiến của Người sẽ hiện diện sinh động, cụ thể trong đời sống của mỗi chúng ta hôm nay. 

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!