Nhất trí tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP lên không quá 70% tổng mức đầu tư dự án

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 27/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình số 588/TTr-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết thí điểm là đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm trình Quốc hội đã được chuẩn bị cơ bản đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Chính phủ đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước. Do đó, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, cụ thể hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn đối với tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) (Điều 4), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm. Bên cạnh đó, thời gian qua các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc của các dự án giao thông PPP hiện nay.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất. Ngoài ra, đề nghị xác định rõ tỷ lệ và phần vốn nhà nước dành cho việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án tại Phụ lục 1 của Danh mục dự án thí điểm, để làm rõ hơn sự cần thiết của chính sách này.

Liên quan đến các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương nhằm cho phép sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho các địa phương khác, tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các địa phương và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án… 

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7), Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án. Bên cạnh đó, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư, do đó đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đối với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm (Điều 3) và Danh mục các dự án đề xuất áp dụng thí điểm kèm theo dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, để bảo đảm các dự án được lựa chọn phải thực sự cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả. Trên cơ sở đó, rà soát lại Danh mục các dự án, lựa chọn các dự án đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, thuyết minh sự phù hợp của từng dự án trong việc đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, đề nghị tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình Quốc hội, hoặc trình UBTVQH nếu được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với các dự án hiện đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025: Chính phủ chỉ đạo rà soát, lựa chọn các dự án cấp thiết, đã đáp ứng đủ các điều kiện luật định, để giao kế hoạch vốn kịp thời, đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ pháp luật trong phân bổ vốn, bảo đảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội, không dài trải, gây thất thoát, lãng phí.

Đối với những dự án mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội: dành nguồn và giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị thủ tục đầu tư, tuân thủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định theo đúng thẩm quyền, trong đó, báo cáo Quốc hội việc bổ sung các dự án đủ điều kiện vào danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung làm rõ sự cần thiết và rà soát, chỉnh lý rõ nội hàm của quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Nghị quyết để tránh dẫn đến cách hiểu khác nhau và vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số