Nhiều dự án treo, chậm triển khai hàng chục năm gây lãng phí tại Đà Nẵng

Nhiều dự án treo, chậm triển khai hàng chục năm gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đời sống dân sinh trên địa bàn Đà Nẵng cần xử lý dứt điểm”. Đây là một trong nhiều ý kiến nhận định của đoàn giám sát chuyên đề do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn trong buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng ngày 18/7.

Nội dung buổi làm việc liên quan tới việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021. 

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, đề nghị TP Đà Nẵng tập trung vào 3 vấn đề: Tình hình ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đánh giá toàn diện việc quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công, quản lý tài nguyên, sử dụng lao động, tinh giản biên chế; và khó khăn vướng mắc trong thí điểm chính quyền đô thị.

Theo báo cáo của TP Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2021, khi phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo dự toán để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương theo số dự toán Bộ Tài chính giao là gần 2,7 nghìn tỉ đồng. Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bình quân hàng năm giải ngân đạt 80-90% so với kế hoạch. 

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, năm 2021, Bộ Nội vụ thẩm định đối với Đà Nẵng là hơn 17,4 nghìn chỉ tiêu, giảm hơn 2.300 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 11,7%. Về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, toàn địa bàn còn 326 khu đất lớn với tổng diện tích hơn 2.000km2 còn tồn đọng chưa sử dụng, xử lý. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bản án liên quan đến đất đai tại Đà Nẵng, có nhiều nội dung chưa thực hiện do vấn đề phát sinh từ thực tiễn, vướng các quy định pháp luật, một số nội dung xuất phát từ lỗi của các cơ quan nhà nước nên cần phải cân nhắc với lợi ích của nhà đầu tư khi thực hiện các kết luận thanh tra.

Các thành viên đoàn giám sát đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được về triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, để xảy ra vi phạm và thậm chí vi phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt về đất đai. Nhiều dự án tồn đọng ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như các dự án ở quận Hải Châu kéo dài hàng chục năm, dự án Làng đại học đã kéo dài 25 năm; nhiều dự án đầu tư công, dự án chuyển tiếp chậm tiến độ, như dự án cảng Liên Chiểu, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi, các dự án tái định cư có nguy cơ gây lãng phí lớn về nguồn lực.

Ông NGUYỄN CÔNG LONG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp:Hiện trên địa bàn thành phố còn tồn tại rất nhiều công trình, dự án treo lâu năm, không chỉ làm thất thoát, gây lãng phí rất lớn mà còn làm thiệt hại tới tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và công dân; gây mất mĩ quan đô thị và ảnh hưởng tới việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, tổ công tác đề nghị đoàn giám sát có kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất chỉ đạo về cơ chế, chính sách, các biện pháp xử lý dứt điểm”.

Ông LÊ THANH VÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách:15.258 lô đất tái định cư, trong đó có 7.225 lô không có trên thực tế là như thế nào? Điều này nói lên rằng, các đồng chí làm dự án quá thừa với quỹ đất dành cho tái định cư. Có lãng phí không? Trong bối cảnh hiện nay nó tác động thế nào đến nguồn thu ngân sách, đến lãng phí trong sử dụng tài nguyên?”.

Các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị thành phố cần làm rõ vấn đề xử lý trách nhiệm trong các sai phạm, đặc biệt liên quan đến quản lý sử dụng tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản, giao đất trái thẩm quyền, bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ tính hiệu quả thực tế của các khoản chi phí cho khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước. 

Lê Quang