Nhìn ra thế giới: Ngăn chặn thảm họa tuyệt chủng - Nỗ lực của thế giới

Theo báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% trong giai đoạn kể từ năm 1970 – 2018.

Trong đó, những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 55%. Con số này tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%.

Phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Nếu không có những hành động mạnh mẽ ngay từ hôm nay, nhiều loài động vật sẽ biến mất vĩnh viễn.

Trong bối cảnh Liên hợp quốc dự báo, 1 triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ 21, Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) được tổ chức tại Canada vào năm 2022 đã thông qua Thỏa thuận “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal”, bao gồm 4 mục tiêu và 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030.

Trong số các mục tiêu toàn cầu này có việc bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết huy động ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ thiên nhiên và giảm các khoản trợ cấp có hại cho thiên nhiên ít nhất 500 tỷ USD vào năm 2030.

Những bước đi mạnh mẽ này, song hành cùng nỗ lực của các quốc gia trên thế giới, được kỳ vọng sẽ giúp đảo ngược quá trình suy thoái đa dạng sinh học, bảo vệ nhiều loài động vật trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Ngọc