Nóng vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đang diễn ra tại New York, Mỹ là sự kiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận toàn thế giới. Bởi đây là nơi các nhà lãnh đạo gặp mặt, đưa ra ý kiến về các vấn đề mang tính toàn cầu.

Một trong số những vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến bàn thảo là yêu cầu cấp thiết cần phải cải tổ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc được phép sử dụng vũ lực và chịu trách nhiệm đảm bảo hòa bình thế giới.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào ngày 19/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các cải cách Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, vốn hết sức cần thiết trong bối cảnh tình trạng bế tắc đang diễn ra khiến cơ quan này không thể thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của mình. Điều quan trọng là “cần nhiều tiếng nói hơn, nhiều quan điểm hơn tại bàn đàm phán”.

Ông Biden khẳng định, Chính quyền Mỹ đã tiến hành tham vấn nghiêm túc với nhiều quốc gia thành viên về việc mở rộng Hội đồng Bảo an, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình để thúc đẩy các nỗ lực cải cách. 

Không chỉ Mỹ, mà Nga cũng khẳng định muốn cải cách Hội đồng Bảo an, cho rằng cơ quan này cần thêm các quốc gia mới nổi.

Vấn đề cải tổ và mở rộng Hội đồng Bảo an đã dược nhiều nhà lãnh đạo nêu lên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Một trong số các lý do được nêu lên là Hội đồng bảo an đang có sự bất bình đẳng về đại diện.

KHÔNG DỄ CẢI TỔ HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC

Kể từ khi thành lập năm 1945, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc chỉ bao gồm 5 thành viên thường trực - Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô (Nga từ năm 1992), Anh và Pháp. Các thành viên này có quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, mặc dù không được ngăn Hội đồng bBảo an thảo luận về nghị quyết đó. Hội đồng bảo an cũng bao gồm 10 thành viên không thường trực được bầu 2 năm một lần.

Xung đột Nga - Ukraine đã khoét sâu những rạn nứt giữa các thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Năm 2022, Hội đồng Bảo an có đến 276 cuộc họp công khai được triệu tập (nhiều hơn 246 cuộc họp năm 2021) nhưng chỉ thông qua được 7 tuyên bố của chủ tịch Hội đồng Bảo an. Con số này ít hơn rất nhiều so với 24 tuyên bố chủ tịch được thông qua năm 2021.

Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ đang tìm cách bổ sung 5 hoặc 6 thành viên mới vào Hội đồng Bảo An, bao gồm Ấn Độ, Brazil, Đức, Nam Phi và Nhật Bản, để đối trọng với Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, theo Điều 108 và 109 của Hiến chương Liên Hợp quốc, việc cải tổ này không dễ dàng. Các sửa đổi cần có sự phê chuẩn của 2/3 trong số hơn 190 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc để có hiệu lực.

Việc kết nạp thành viên mới sẽ tạo ra một số vấn đề liên quan đến quyền phủ quyết, cũng như làm phức tạp quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.

Như Người phát ngôn Điện Kremlin đã khẳng định, quá trình cải tổ Hội đồng Bảo an rõ ràng sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán phức tạp và kéo dài.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Ngọc -

Anh Tuấn