Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mất trí nhớ?

Bloomberg ngày 6/4 đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã tiến hành phân tích 14 nghiên cứu trước đó, kết quả cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với không khí chứa hàm lượng hạt mịn cao có liên quan đến chứng mất trí nhớ.

Ngay cả khi mức trung bình năm của hàm lượng hạt mịn trong không khí thấp hơn tiêu chuẩn của Mỹ, mối liên hệ với chứng mất trí nhớ vẫn tồn tại.

Khoảng 57 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng mất trí nhớ và hiện không có cách chữa trị cho bệnh nhân, kể cả những người mắc bệnh Alzheimer, căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu người chỉ riêng ở Mỹ. Theo các giáo sư tại Harvard, nếu hàm lượng hạt mịn trong không khí chỉ giảm ở mức 2 microgam/m3 hằng năm, nguy cơ bị sa sút trí tuệ ở người cũng sẽ thấp hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị rằng chỉ số hạt bụi mịn (hay còn gọi là PM2.5) trung bình năm nên ở mức dưới 5 microgam/m3, nhưng gần như toàn bộ dân số toàn cầu hít thở không khí vượt quá giới hạn đó. Các nhà nghiên cứu của Harvard cho biết phạm vi tiếp xúc với ô nhiễm rộng làm cho hạt mịn trở thành một yếu tố nguy cơ liên quan đến chứng mất trí nhớ, mặc dù tác động ước tính của nó nhỏ hơn so với các yếu tố như hút thuốc.

(*) Nguồn: Bloomberg

 

 

 

Lan Phương