Phân loại để quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự

Thảo luận ở tổ chiều 9/6 về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu Quốc hội đồng tình với tính chất quan trọng của Luật này nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “đất nước chưa nguy”.

Tuy nhiên, việc phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự cần được luật hóa để vừa quy định, vừa đảm bảo yêu cầu về quân sự quốc phòng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ những bất cập trong việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ CTQP và KQS, đặc biệt là đối với việc xử lý các công trình, khu quân sự do lịch sử để lại, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quản lý bảo vệ các công trình lưỡng dụng. Do đó, việc ban hành luật sẽ góp phần vào việc thực hiện 2 chiến lược của đất nước gồm: Chiến lược Bảo vệ tổ quốc và Chiến lược Phát triển KT-XH ( Tổ 19)

Đồng tình với quan điểm trên nhưng PCTQH Trần Quang Phương cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cần nghiên cứu thêm vì xây dựng Luật để quản lý nhà nước, chứ không chỉ việc quản lý, bảo vệ CTQP và KQS. Trên tinh thần đó, phân loại, phân nhóm cần thực hiện theo tính chất của CTQP và KQS (Tổ 9).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần nghiên cứu việc phân loại CTQP và KQS theo chức năng, mục đích sử dụng (Tổ 4)

Các ĐBQH cho rằng, việc phân loại CTQP và KQS sẽ là cơ sở để quy định chế độ quản lý, bảo vệ; xác định phạm vi an toàn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như chính sách, lực lượng có liên quan.

Khắc Phục