Phát triển văn hoá đọc bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tình yêu sách

Ngày Sách và văn hoá đọc hàng năm là dịp để xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Trải qua một chặng đường dài, những biến động liên tục của đời sống xã hội, sự thay đổi của nhịp sống khiến cho nhiều thói quen, nếp sống thay đổi, trong đó có thói quen đọc sách. Để phát triển văn hóa đọc, phải xây dựng, duy trì lại thói quen đọc sách trong cộng đồng, mà để duy trì một nếp quen có ý nghĩa quan trọng này cần phải nuôi dưỡng được tình yêu sách trong mỗi người Việt.

Là người đưa ra ý tưởng và khởi xướng thực hiện dự án “Khuyến đọc Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra câu hỏi: “Nếu văn hóa đọc không phát triển, ngành sách sẽ đi về đâu? Nếu ngành sách đóng cửa, đất nước sẽ đi về đâu?”. Do đó, mục tiêu quan trọng là khuyến đọc. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, có nhiều cách thức đẩy văn hóa đọc như: Tổ chức các chương trình đọc sách, nói chuyện, giao lưu về sách, viết review sách hay khuyến khích mở câu lạc bộ sách, ATM tủ sách… Càng bắt đầu sớm, chúng ta sẽ càng sớm nhận được những tín hiệu khởi sắc của văn hóa đọc.

TS NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books: “Có lẽ phải có một chiến dịch, một phong trào, đỉnh cao là có một cách sống của khuyến đọc, tức là mình phải đọc sách hàng ngày chứ không phải chỉ trong chiến dịch”. 

GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Bây giờ, đã đến lúc chúng ta phải chấn hưng lại việc đọc. Như chúng ta đã biết, sách không chỉ là người bạn, với tôi sách còn là người thầy, phần lớn những điều tôi biết được, học được là từ sách, muốn thế phải chăm chỉ đọc, phải chuyên cần đọc".

Trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh, lựa chọn đọc sách đôi khi là một thử thách đối với thiếu nhi cũng như độc giả trẻ. Vì thế, nuôi dưỡng tình yêu sách và thúc đẩy văn hoá đọc cần rất nhiều nỗ lực. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và giới thiệu sách trực tuyến năm 2022  là một trong những giải pháp do Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức để khơi dậy tình yêu sách từ những độc giả trẻ tuổi.

Chị VƯƠNG THỊ PHƯƠNG LINH, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng, Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Cuộc thi đã thổi một luồng gió mới, đa dạng hoá hình thức đọc sách, chuyển tải sách đến với mọi người và thu hút các học sinh tham gia, vì các em được ứng dụng công nghệ thông tin làm clip, video..., để giới thiệu sách, đưa sách đến gần hơn với các bạn”.

Sự phát triển của công nghệ số đã mở ra cho chúng ta những cơ hội trong việc tiếp cận nguồn tri thức phong phú thông qua internet, từ đó kích thích, tạo điều kiện cho phát triển văn hoá đọc. Tuy nhiên, không dễ dàng để sách có thể tiếp cận đến mọi đối tượng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của độc giả trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Nhà báo TRƯƠNG ANH NGỌC: “Sách giấy luôn là một công cụ để chúng ta đọc nhưng bây giờ, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta có thể đọc trên tất cả các phương tiện khác nhau, như smartphone. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để đưa các tác phẩm văn học, đưa các tác phẩm liên quan đến văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội đến với độc giả của chúng ta thông qua các nền tảng như vậy”.

Để đốt lên một niềm yêu thích, một đam mê thì ý thức của bản thân người đọc là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất cần đến sự nỗ lực của người viết sách, của ngành xuất bản, các đơn vị phát hành sách cùng sự quan tâm đến văn hóa đọc ở những trường học và ở chính mỗi ngôi nhà. Các trường học, gia đình cần xây dựng được hệ thống tủ sách, thư viện để để gây dựng lại thói quen đọc sách cho mỗi người, từ đó lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đọc sách không chỉ là tích luỹ tri thức, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và hướng con người ta đến những giá trị đẹp đẽ chân, thiện, mỹ./.

Khánh Hoàng