Quy định cụ thể về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử

Cũng trong sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong thực tế, việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử đã trở nên phổ biến dưới sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Tuy nhiên áp dụng vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc xác định giá trị pháp lý, phạm vi trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp giữa các bên.

Do đó, nhiều đại biểu đề nghị cần phải quy định cụ thể nội dung này trong luật.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đặt ra quy định về người khởi tạo thông tin, dữ liệu, thời điểm, địa điểm gửi, nhận thông tin dữ liệu, những vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật của việc trao đổi trong giao dịch điện tử mà chưa có các quy định về thay đổi, rút lại hoặc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, về thời điểm giao kết hợp đồng điện tử, thời điểm, điều kiện hợp đồng có hiệu lực, các trường hợp xác định hợp đồng điện tử vô hiệu …, trong khi đây là những chế định hết sức quan trọng của một hợp đồng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.

Các ý kiến cũng đề nghị, về quyền rút lại thông tin giao kết đã nhập của bên mắc lỗi cần sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự tại khoản 1 Điều 389 do tại điểm a khoản 1 Điều 389 Bộ luật Dân sự quy định bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo được hiểu là bên mắc lỗi có thể rút lại thông tin giao kết vào bất cứ thời điểm nào, miễn là thông báo cho các bên giao kết. Bên cạnh đó, quy định này cũng trao quá nhiều quyền chủ động cho bên mắc lỗi, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên nhận đề nghị giao kết khi đã thực hiện giao dịch theo thông tin lỗi.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!