Quy định rõ tiêu chí về nội dung kỳ họp bất thường

Cũng trong sáng 14/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết quy định hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn về hồ sơ về người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn… các nội dung này được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá là chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, đúc kết kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn tiến hành các kỳ họp Quốc hội, nhất là các giải pháp đổi mới, sáng tạo, có hiệu quả trong tổ chức các kỳ họp trực tuyến và họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến thời gian qua.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc tổ chức kỳ họp bất thường do yêu cầu chung, do có chỉ đạo từ Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề xuất, cần cân nhắc quy định rõ về thời hạn gửi triệu tập trước khi kỳ họp bắt đầu sao cho hợp lý, sát với thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của nghị quyết. Theo Nội quy kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 4 thì việc triệu tập kỳ họp bất thường phải trước 7 ngày.

Liên quan đến gửi hồ sơ, tài liệu của kỳ họp bất thường trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ băn khoăn với việc quy định hồ sơ, tài liệu của kỳ họp bất thường, thông tin về kỳ họp bất thường được thực hiện theo các quy định của luật hiện hành, bởi trên thực tế kỳ họp bất thường là những vấn đề cấp bách, do vậy nếu thực hiện theo quy định chung, thì sẽ khó đảm bảo tính khả thi vàkhông đúng với tinh thần của kỳ họp bất thường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần quy định tiêu chí về nội dung kỳ họp bất thường nhằm tránh trường hợp khi kỳ họp bình thường làm không kịp thì chuyển qua kỳ họp bất thường. Do đó, nội dung của kỳ họp bất thường cần phải có tiêu chí, đó là những vấn đề quan trọng, cấp bách, không thể đợi đến kỳ họp bình thường mới đưa vào.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: đến ngày 15/3/2023, Nội quy kỳ họp Quốc hội chính thức có hiệu lực thi hành. Do đó việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành không thể chậm trễ hơn nữa. Do vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về tên của Nghị quyết có thể là tên là Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình! 

Thùy Linh