Sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội: Các đại biểu mong muốn có đủ thời gian nói được nguyện vọng của cử tri trước Quốc hội

Sáng 29/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã chủ trì Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Cùng dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tại tọa đàm, đại biểu cho rằng thời gian gửi dự thảo Luật đến các đoàn còn chậm, ảnh hưởng việc lấy ý kiến.

Bà ĐIỂU HUỲNH SANG, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: “Lãnh đạo Uỷ ban, các sở, ngành hầu như văn bản gửi về đều thống nhất với dự thảo Luật. Mà thực tiễn triển khai các chính sách, pháp luật còn bất cập, hạn chế. Trong Nội quy có ghi danh sách gửi chậm sẽ được công khai, nhưng chưa bàn đến hướng giải quyết thế nào.” 

Về phát biểu tại nghị trường, còn nhiều ý kiến giữa việc linh hoạt 5-7 phút hoặc ít hơn.

Ông TRẦN VĂN, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: “Thời gian phát biểu có thể rút ngắn, không phải 5-7 phút, mà 6 phút ở giữa hay 1 phút cũng quý. Phát biểu ở hội trường, ý tưởng mình không được nói ra, mong muốn địa phương, mong muốn của cử tri không thể hiện được thì sốt ruột lắm.” 

Ông PHẠM VĂN HOÀ, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Tôi từng phát biểu tại hội trường, 7 phút để nói về kinh tế  - xã hội thì không nói được gì, rất khó nói mà bảo 5 phút là rất khó. Thảo luận các dự án Luật thì có thể 5 phút.” 

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Tại Điều 4, trách nhiệm của Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đã được quy định tại Khoản 3, Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội nên không cần trích dẫn là mà chỉ cần ghi, trách nhiệm của Trưởng Đoàn được thực hiện tại Khoản 3, Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội. Như vậy bảo đảm ngắn và phù hợp.” 

Các đại biểu cũng góp ý về việc làm rõ khách mời danh dự; số lượng người phát biểu của 1 đoàn; cân nhắc có nên bắt đại biểu Quốc hội tại nơi làm việc; áp dụng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số trong việc thảo luận; tính công khai các hoạt động của kỳ họp…

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Quốc hội: “Tiếp thu tối đa tất cả ý kiến các vị hôm nay cả về nội dung, kỹ thuật văn bản, hình thức thể hiện Nghị quyết để Nội quy này xứng đáng là công cụ hoạt động của Quốc hội. Đầy đủ chức năng lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, trưng cầu ý dân trong kỳ họp.” 

Góp ý cho dự thảo nghị quyết này sẽ được Văn phòng Quốc hội tổng hợp, gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 8/2022. 

Khánh Hà