Sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội: Cần linh hoạt điều hành, tăng tranh luận để có được một nghị trường sôi động

Cuối giờ chiều 11/8, tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm Góp ý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) do Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội. 

Các đại biểu tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Nội quy kỳ họp sau 6 năm thi hành nhằm tạo hành lang pháp lý để tiếp tục “Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội” như chủ trương đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các ý kiến cũng tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, trong đó việc sửa đổi nội quy kỳ họp cần phải nâng cao được vai trò, tạo được sự chủ động cho Chủ toạ trong điều hành kỳ họp.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN: “Chủ toạ người điều hành nên có quyền linh hoạt, để sôi động có sức sống thì linh hoạt chứ cứng trình tự thì khó, hoạt động nghị trường sôi động, có sức sống chứ không phải một nghị trường có trật tự.” 

Khẳng định vấn đề tranh luận, chất vấn là nội dung hết sức được quan tâm tại mỗi kỳ họp, việc tranh luận, chất vấn là hết sức cần thiết vì nó thể hiện thực quyền của Quốc hội, do đó quy định rõ vấn đề này trong nội quy kỳ họp sẽ giúp tăng tính dân chủ, pháp quyền.

Giáo sư, Tiến sĩ ĐẶNG VĂN THANH: “Tranh luận là cần thiết. Tranh luận diễn ra giữa các đại biểu Quốc hội là để thuyết phục đại biểu khác đồng ý với quan điểm của tôi về vấn đề đó. Khái niệm tranh luận chỉ nên diễn ra giữa các đại biểu với nhau để thể hiện tính ngang quyền. Vì thế tôi đề nghị không nên dành quá nhiều thời gian cho 1 đại biểu tranh luận đi tranh luận lại về 1 vấn đề. Cho nên tôi đồng ý 1 phút.”

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến góp ý chất lượng, thẳng thắn của các đại biểu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến cách thức, phương thức tổ chức của Kỳ họp Quốc hội, cho phép Quốc hội thực hiện thí điểm nhiều điểm mới. Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp lần này cần chú trọng các giải pháp để tổ chức kỳ họp linh hoạt, hiệu quả, dễ dàng thích ứng với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi phải đảm bảo đồng bộ, tương thích với các quy định trong các luật liên quan như Luật tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các chuyên gia, đại biểu, đảm bảo hoàn thiện Dự thảo Nội quy kỳ họp để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật trong tháng 8 và trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua trong một kỳ họp.

Quang Sỹ