Tăng cường giải pháp phát triển giáo dục Tây Nguyên

Cần tăng cường các giải pháp một cách đồng bộ để giáo dục Tây Nguyên phát triển, đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hôm nay (24/3) tại thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.

Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây nguyên có gần 4 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GD thường xuyên. Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của các địa phương ở Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biêu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng bên cạnh các lợi thế thì Tây Nguyên cần đặt mục tiêu nâng cao dân trí là một mục tiêu cụ thể. Vì muốn phát triển được kinh tế, xã hội của vùng thì yêu cầu về nâng cao mặt bằng dân trí là yêu cầu cấp bách đối với khu vực. Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là thực hiện thắng lợi việc đổi mới giáo dục phổ thông theo chươn trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó lấy phát triển con người làm trọng tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong rằng qua Hội nghị, các địa phương thảo luận, gia tăng nhận thức để có những giải pháp phát triển giáo dục của vùng Tây Nguyên. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của những địa phương, cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục quan tâm để phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội của vùng. 

Mời quý vị theo dõi chi tiết chương trình!

Như Huỳnh