Tăng giờ làm thêm: Nhà làm luật đề nghị Chính phủ giải trình rõ con số 72 giờ

Chiều 10/3, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

>> Bộ Y tế đề xuất F0, F1 đi làm, Công đoàn nói người lao động có quyền từ chối

Một trong những nội dung nhân được sự quan tâm của xã hội đó là tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, nhưng không quá 300 giờ/năm, và không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.  

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh với doanh nghiệp và người lao động vẫn còn rất lớn, đề xuất điều chỉnh thời giờ làm thêm được xem là một trong những giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi. Đề xuất này nhận được nhiều sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần có giới hạn để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho người lao động, cần có sự rà soát để loại trừ các đối tượng, ngành, nghề, công việc không áp dụng.

Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến nguồn lực lao động của các doanh nghiệp, bởi nhiều lao động phải nghỉ việc do là F0, F1, doanh nghiệp phải giãn ca, thu hẹp quy mô sản xuất để phòng dịch khiến áp lực hoàn thành đơn hàng rất lớn. Nếu không tăng giờ làm thêm để bù đắp việc thiếu hụt nhân lực cũng như thời gian lao động thì sẽ không đáp ứng được đơn hàng. Đây cũng chính là lý do các doanh nghiệp đồng tình với việc nới trần làm thêm tối đa trong tháng và trong năm theo đề xuất của Chính phủ.

Bà BÙI THỊ HẠNH HIẾU - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh: “Chúng tôi cũng lao đao hầu như văn phòng chỉ có 1, 2 người đi làm. Hết người này bị người kia bị vì lây qua gia đình. Theo tôi lực lượng làm thêm rất đúng đắn, người nào có sức khỏe thì hỗ trợ, doanh nghiệp lúc này căng mình ra trong 2 năm giờ có việc thì không có lao động nên tăng giờ làm thêm là đúng đắn.”

Bà NGUYỄN THỊ THƠM - Cơ sở kinh doanh làng nghề huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá: Nói chung dịch nhiều, công nhân cần kinh tế, mình sẽ tạo điều kiện cho công nhân làm thêm để tạo thu nhập, nếu như đề xuất thành công chúng tôi ủng hộ.

Tăng giờ làm thêm cũng đồng nghĩa với việc có điều kiện để tăng thu nhập, thêm nguồn lực trang trải chi phí cuộc sống, cũng vì thế phần lớn người lao động đều muốn làm thêm giờ, nhất là sau những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra trong hơn hai năm vừa qua.

Anh PHAN VĂN DOANH - Trưởng phòng Cơ sở kỹ thuật Công ty Crew 24: Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều. Nếu Nhà nước cho phép làm tăng thêm giờ, chúng tôi rất hy vọng làm thêm sẽ tăng thu nhập…

Anh NGUYỄN HUY HOÀNG - Nhân viên công ty Yamaha Việt Nam: Sau khi dịch có chiều hướng suy giảm, nhiều công ty cũng đã tổ chức làm thêm cho người lao động. Có làm thêm chỉ làm thêm thứ 7 hoặc Chủ nhật, chế độ chi trả ngoài trợ cấp, tính 200% lương, làm thêm giờ tự nguyện, công ty được gia tăng thêm sản phẩm và và người lao động như chúng tôi có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, việc mở rộng cho tất cả lao động ở các ngành nghề cũng cần được thận trọng tính toán để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động. Riêng đối với các lĩnh vực lao động có tính chất độc hại, nguy hiểm, dễ xảy ra rủi ro thì cần tính toán hợp lý trên cơ sở của quy định của Bộ Luật lao động.

Anh BÙI HUY HOÀNG - Quản lý Công ty CP Airtesch Thế Long: Theo bản thân tôi, tăng giờ làm đối với ngành văn phòng, công việc nhẹ nhàng thì được nhưng còn ngành có tính chất độc hại thì cần cân nhắc vì người lao động cần thời gian để tái tạo sức.

Tại Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm, vấn đề quan trọng nhất trong thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện. 

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: Cần căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe của người lao động, điều kiện của người lao động, việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng, 1 năm của người lao động phải thỏa mãn các yêu cầu là thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt; bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động và người lao động phải được trả công xứng đáng theo thỏa thuận.

Ông HOÀNG THANH TÙNG - Chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp luật của Quốc hội: Ghi rõ tiền lương vì người lao động phải bỏ ra công sức để khuyến khích người ta, Chính phủ cần giải trình rõ hơn vì sao chọn 72 tiếng vì báo cáo chỉ có 6 nước tối đa là 72 tiếng.

Ông TRẦN VĂN THUẬT - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Đề nghị Chính phủ bổ sung biện pháp mang tính đồng bộ, cơ chế bảo đảm, chế độ phúc lợi, tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát.

Trước việc còn có nhiều ý kiến khác nhau, kết luận nội dung làm việc này,  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cân nhắc thận trọng về số giờ làm thêm cụ thể trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối phiên họp, vì đây là vấn đề nhạy cảm, có tác động xã hội sâu rộng./.

Như Thảo