Tạo thói quen đạp xe cho người dân đô thị

Trong bối cảnh hiện nay, khi có đến 20% lượng phát thải toàn cầu thuộc về ngành giao thông vận tải, thì xe đạp được coi là phương tiện dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và góp phần giảm thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để tạo được xu hướng sử dụng xe đạp, vẫn cần những động lực từ chính cộng đồng, để lan tỏa một thói quen tốt, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe.

Anh Tâm làm công việc cho thuê thuyền SUP chèo trên bãi biển Mân Thái, thành phố Đà Nẵng. Dù quãng đường từ nhà đến nơi làm việc hơn 4km, nhưng nhiều năm qua, anh Tâm vẫn sử dụng xe đạp như phương tiện di chuyển chính hàng ngày, vừa tăng cường sức khỏe, lại góp phần bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng có lợi thế sở hữu nhiều vùng sinh thái, với biển, sông, núi, hồ cùng nhiều cảnh đẹp nên thơ như núi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân, sông Cu Đê, hồ Hòa Trung, biển Phạm Văn Đồng, biển Nam Ô... rất thích hợp cho những người yêu thích bộ môn đạp xe. Nhiều hội nhóm được thành lập, thu hút đông thành viên ở nhiều lứa tuổi, họ đều chung một mục tiêu khi tham gia bộ môn này, đó là rèn sức khỏe, khám phá thêm những cung đường, được trò chuyện, xả tress.

Nhìn thấy được giá trị của hoạt động đạp xe, góp phần hạn chế phương tiện xe cơ giới, thành phố Đà Nẵng bên cạnh việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở nhiều tuyến đường, cũng đang có những dự án mở rộng không gian cho nhu cầu đạp xe của người dân, khuyến khích việc đạp xe bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm phát thải ra môi trường.

Trước khi xe máy và ô tô “bùng nổ”, hầu hết người dân Việt Nam gắn bó với những chiếc xe đạp.Việc sống lại “văn hóa xe đạp” sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe cho nhân dân, phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam