Thay đổi tư duy sản xuất từ cơ giới hoá nông nghiệp

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, khu vực này đã đẩy mạnh việc cơ giới hóa sản xuất lúa, từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc cơ giới hóa đồng ruộng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cần có chính sách khuyến khích.

Nhiều khâu trong quá trình sản xuất lúa ở vùng ÐBSCL như làm đất, tưới nước, thu hoạch... đến nay đã được cơ giới hóa hầu như hoàn toàn. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới trong sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng khác vẫn có những khâu còn yếu, chưa đồng bộ. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu là điều nông dân lo lắng.

Ông HỨA THANH HÀ, Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang: “Người nông dân bớt đi sức lao động rất nhiều, nhưng cái chi phí để đầu tư ban đầu đối với người nông dân rất là khó, ví dụ một cái máy sạ phân, sạ thuốc thì đối với người nông dân đầu tư rất là khó”

Hiện cánh đồng lớn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 160.000ha, hầu hết trong HTX nông nghiệp và tổ hợp tác và nếu tham gia, nông dân tiếp cận cơ giới hóa sẽ nhiều hơn.

Ông TRẦN THÁI NGHIÊM, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: “Việc xây dựng triển khai các chính sách đồng bộ cho hỗ trợ tiếp cận các loại máy móc thiết bị từ phía Nhà nước đến doanh nghiệp và người dân, cần có sự quan tâm hình thành các tổ nhóm HTX nông dân làm dịch vụ đó là thành phần nông cốt trong cơ giới hóa hiện nay.”

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều cần thiết là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa; Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn và nhân rộng các mô hình, cách làm hay và giải pháp hiệu quả trong thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Quy mô lớn hơn không có nghĩa là tích tụ ruộng đất lớn hơn, mà là liên kết giữa người nông dân trong vùng nguyên liệu đó tạo ra những HTX hay là hình thức hợp tác nào đó để người nông dân cùng sử dụng chung những phương tiện, công nghệ thiết bị máy móc đó được tối ưu hóa.”

Trong bối cảnh hiện nay, việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được coi là yêu cầu cấp thiết, nhất là cơ giới hóa nông nghiệp, bởi cơ giới hóa không những giải quyết được khâu lao động thủ công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất.

Công Tràng