Thủ tướng Phạm Minh Chính đón, hội đàm với Thủ tướng Singapore

Sáng 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ đón trọng thể Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29/8. Ngay sau Lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hai nhà lãnh đạo nhất trí xem xét, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Chào mừng Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược; góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ bền chặt giữa hai nước.

Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ USD, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD, đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD năm 2021 và 9,15 tỷ USD năm 2022. Bên cạnh kinh tế, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực: quốc phòng - an ninh, giao thông vận tải, du lịch, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường, pháp luật - tư pháp.

Tại hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nghị viện; triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các cơ chế hợp tác giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Kinh tế Xanh - Kinh tế số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Singapore tạo điều kiện tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam; phát triển và chuyển đổi các khu VSIP thành khu công nghiệp thông minh, xanh, phát thải các-bon thấp, tiến tới phát triển hệ sinh thái công nghiệp - đô thị; mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, vật liệu mới; hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất như dệt may, chế biến đồ gỗ, đóng tàu, phát triển hạ tầng công nghiệp, hóa chất, hóa dầu, khí tự nhiên hóa lỏng…

Trao đổi về hợp tác đa phương và khu vực, hai bên đánh giá cao việc hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế; nhất trí phối hợp với các nước ASEAN khác bảo đảm đoàn kết, thống nhất và cùng các nước ASEAN khác duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, an toàn hàng hải, hàng không; bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu DOC; tạo môi trường thuận lợi, phấn đấu xây dựng COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Sau cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký 7 văn kiện giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; kết nối hai nền kinh tế; đổi mới sáng tạo; phát triển kỹ năng và lao động; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Theo TTXVN