Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng quản lý biên giới

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, một số đại biểu cho rằng thời gian qua các hoạt động mua bán người trên thế giới và trong khu vực cũng như trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội. Do đó đề nghị Bộ Công an cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này

Từ 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người. Các đại biểu đề nghị Bộ Công an cần tăng cường hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng buôn bán người, đặc biệt là khu vực biên giới Tây Nam.

Bà NGUYỄN THỊ THUỶ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Vừa rồi các đại biểu đã biết tình hình Campuchia thì chúng tôi đề nghị Bộ Công an cũng tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi liên quan đến buôn bán người này phải đưa sang phía bên ngoài lao động có tính chất cưỡng bức lao động.”

Thực tế nhiều người bị lừa sang các nước với hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” nhưng sang đến nơi phải làm nhiều việc trái pháp luật, khi phát hiện đã ở tình trạng “khó có thể trốn thoát”. Đại biểu đề nghị cần quan tâm đến công tác quản lý vùng biên giới.

Ông TRÁNG A DƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: “Ở tuyến biên giới Việt Nam -Campuchia có một đoạn dài chưa cắm mốc lộ giới xong. Chính vì vậy tôi cũng đề nghị là đánh giá rất sâu về quản lý qua biên giới, vì đây là nguồn mà cũng không thể biết được khi người ta lao động trái phép được quay về thì không biết ai sẽ là được cài cắm của nước ngoài cài cắm vào để chúng ta chưa thể đánh giá được. Vì đây là vấn đề rất nhạy cảm nên tôi đề nghị đánh giá rất sâu vào nội dung về quản lý công tác quản lý biên giới.”

Cũng theo một số đại biểu, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, đẻ thuê... Do vậy, Bộ Công an, các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn.

Diệu Huyền