UNCLOS 1982 - 40 năm hiến pháp của biển và đại dương

Ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế, đó là sự ra đời của một văn kiện được coi là Hiến pháp của biển và đại dương: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, đến nay, Công ước Luật Biển 1982 đã có 168 quốc gia là thành viên, trong đó có Việt Nam. Sau 40 năm thực hiện, UNCLOS ngày càng chứng tỏ được vai trò và ý nghĩa phổ quát, toàn diện đối với các vấn đề về biển và đại dương trên toàn cầu. Đây là khẳng định của các đại biểu tại Hội thảo quốc tế Kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày hôm nay. 

Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, 4 nghị quyết, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật Biển 1982 là căn cứ pháp lý toàn diện để xác lập, phân định, quản lý các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích hợp pháp khác trên biển một cách hợp lý.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UNCLOS ngày càng thể hiện vai trò và ý nghĩa quan trọng.

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước Luật biển 1982 trong xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các quốc gia láng giềng, quản lý và sử dụng biển một cách bền vững.

Là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam luôn kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, qua đó đóng góp tích cực vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò, bản lĩnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Ngọc