Vấn nạn rác thải từ hoạt động nuôi lồng bè trên biển ở Khánh Hòa

Khánh Hòa có đường bờ biển dài, các vùng vịnh kín gió, rất thuận lợi cho hoạt động nuôi biển. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn sử dụng lồng bè gỗ thô sơ, chưa được quản lý chặt chẽ nên các chủ lồng bè thường xả rác là bao bì thức ăn, rác sinh hoạt trên các lồng bè xuống biển gây ô nhiễm môi trường.

Huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 40 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Chỉ cần đi một vòng các lồng bè trên khu vực Vịnh Vân Phong, không khó để bắt gặp cảnh rác thải là túi nhựa, ni-lon nổi bồng bềnh trên mặt biển như thế này. Đây chính là rác do người nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè vứt xuống mặt biển. Nguồn rác này sẽ trôi nổi trên biển, bám vào các lồng bè, dạt vào các hòn đảo gây ô nhiễm môi trường.

Theo Trung tâm khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển của địa phương hiện nay vẫn sử dụng lồng bè gỗ thơ sơ dễ phát sinh ô nhiễm. Mặt khác, ý thức của người dân chưa cao. Thế nhưng một thực tế, rác từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển khi được thu gom cũng không biết đổ đi đâu, xử lý như thế nào.

Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 60.000 lồng bè nuôi tôm hùm và gần 10.000 lồng bè nuôi cá biển. Rác thải từ hoạt động nuôi biển sẽ là rất lớn. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương cần phải có giải pháp căn cơ để kiểm soát nguồn rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản để đảm bảo môi trường biển, môi trường vùng nuôi và hạn chế dịch bệnh trên thủy sản.

Văn Lệ