Vụ rò rỉ ghi âm của các chỉ huy không quân Đức gây chấn động phương Tây

Bộ Ngoại giao Nga hôm nay 4/3 đã triệu tập đại sứ Đức, sau khi truyền thông Nga công bố đoạn ghi âm cuộc họp của các quan chức quân sự cấp cao của Đức, thảo luận về việc gửi vũ khí cho Ukraine và khả năng tấn công của Kiev vào một cây cầu ở Crưm.

Trong khi đó, Đức cáo buộc Nga đang tiến hành một cuộc chiến thông tin nhằm chia rẽ nội bộ Đức. Vụ rò rỉ chấn động đang tiềm ẩn những nguy cơ căng thẳng không chỉ với 2 quốc gia mà còn có thể khắc sâu thêm những rạn nứt trong nội bộ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

VỤ RÒ RỈ CHẤN ĐỘNG

Bản ghi âm được Đài truyền hình RT của Nga công bố tiết lộ cuộc trò chuyện được cho là giữa một số sĩ quan cấp cao của Không quân Đức về chi tiết hoạt động và mục tiêu của tên lửa tầm xa Taurus. Họ tranh luận về việc có nên gửi loại vũ khí này tới Ukraine hay không, cũng như các kịch bản có thể trong trường hợp Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea có tầm quan trọng chiến lược. Ngoài việc sử dụng tên lửa Taurus, các quan chức Đức được cho là còn đề cập đến sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài ở Ukrane để giúp Kiev vận hành vũ khí do phương Tây cung cấp.

Cuộc trò chuyện diễn ra trên nền tảng trực tuyến không được mã hoá WebEx, và Bộ Quốc phòng Đức xác nhận các tướng không quân đã bị nghe lén. Đức đang điều tra cách Nga thu được nội dung cuộc họp.

HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

Nội dung đoạn băng bị rò rỉ khiến Đức sẽ phải ngay lập tức xem lại hệ thống tình báo và phản gián. Thế nhưng, Berlin cũng đang phải đối diện với những vấn đề rất lớn.

Với Nga, việc Đức thảo luận về tên lửa Taurus là động thái ngầm tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine - Nga. Thậm chí còn là “Đức đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga”.

Với các đồng minh, Đức đang bị coi là không trung thực. Trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ trước đến nay đều miễn cưỡng với khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, bất chấp sức ép từ các đồng minh, thậm chí chế giễu vì “không hành động đủ” cho Ukraine thì giờ lại công khai thảo luận về vấn đề này, phản ánh thực tế rằng quan chức Đức hành động khác với tuyên bố của Thủ tướng.

Vụ rò rỉ có nguy cơ khắc sâu hơn nữa rạn nứt trong NATO, đồng thời khiến việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine trong tương lai ít có khả năng xảy ra.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Q.T