Cán bộ sợ trách nhiệm: Không thể đổ lỗi cho thể chế

Thảo luận tại tổ sáng 24/10 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, ngân sách nhà nước, kết quả rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vấn đề trách nhiệm trong xây dựng pháp luật, cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm vẫn còn chậm. Tình trạng sợ rủi ro, không dám quyết, không chỉ là chuyện riêng của địa phương nào mà diễn ra ở nhiều nơi, từ Trung ương cho đến địa phương.

Để khắc phục tình trạng này, có đại biểu đề xuất nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Dành toàn bộ thời gian thảo luận tổ đề cập về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã nhận diện một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, cán bô sợ sai sợ trách nhiệm không thể đổ lỗi tất cả do thể chế. Kết quả rà soát hệ thống pháp luật đã giải đáp câu chuyện này.

Còn tại tổ 11, vấn đề này cũng được Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng đề cập đến. Chủ tịch Nước cho rằng, là cán bộ không thể né tránh, sợ trách nhiệm. Nhưng nên sợ sai để nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, để cân nhắc trước - sau, lợi - hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định. Chủ tịch Nước nhận định một bộ phận cán bộ nắm quy định của các văn bản pháp luật không rõ nên mới đổ lỗi cho thể chế.

Một hạn chế khác được Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng chỉ rõ đó là tư duy là thích ôm đồm trong xây dựng chính sách. Hay nói cách khác, do phân cấp phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị. Vì vậy Chủ tịch Nước đề nghị, nếu vướng do luật, nghị định thì cần chỉ rõ là nghị định nào, thông tư nào thì từ đó mới gỡ được, tình trạng này theo đó mới có thể cải thiện.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam