Chiếm 4,4% tổng dư nợ, làm gì để thúc đẩy tín dụng xanh trong nền kinh tế?

Chiếm quy mô khiêm tốn trong tổng dư nợ, chỉ 4,4%, cùng với việc thiếu quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành khiến cho việc xác định cấp tín dụng xanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Đây là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm “Dẫn vốn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư thuộc Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 4/12.

Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, và vốn tín dụng từ ngân hàng là không thể thiếu. Tuy nhiên, hiện nguồn tiền tín dụng cho hoạt động này còn khá khó khăn.

Tính đến 30/9 vừa qua, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn. Như ngân hàng chủ yếu cho vay ngắn hạn, trong khi các dự án xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí lớn. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án.

Các chuyên gia kiến nghị, để tín dụng xanh phát triển cần tiếp tục  hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Cùng đó là xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển các dự án xanh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền -

Lương Thảo -

Thế Anh