COP26: Công nghệ xử lý rác - chìa khóa giải quyết ô nhiễm môi trường

Theo số liệu thống kê, ước tính, hiện trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Cần làm gì để tháo gỡ những tồn đọng cũng như có sự đồng bộ về chính sách, quy hoạch, đầu tư?

Thực tế, từ nhiều năm nay, việc xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương trong cả nước luôn là thách thức đối với môi trường sống, khiến các bãi chôn lấp phải “oằn mình” gánh đỡ lượng rác quá tải mỗi ngày. Rác thải khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng và phổ biến dẫn tới suy thoái môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Hiện nay, trên toàn quốc lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, lượng chất thải rắn tăng 12% mỗi năm. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom, xử lý tại đô thị là hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%.

Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến trong xử lý chất thải rắn; 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt.

Cả nước hiện có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Như vậy, còn 457 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí nghiêm trọng. 

Trong đó, rác thải điện tử, đặc biệt là chất thải nhựa là một trong những mối lo ngại hàng đầu, chiếm 8-12% trong tổng số rác thải sinh hoạt, với khoảng 2,8 triệu tấn nhựa thải ra mỗi năm. Rác thải nhựa chưa được phân loại sau khi chôn lấp hoặc đốt gây nguy cơ phát thải khí nhà kính lớn như CO, axit, kim loại, dioxin/furan...

Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng. Làm thế nào để lựa chọn được phương pháp xử lý phù hợp với tính chất rác thải cũng như điều kiện kinh tế nước ta đang là một câu hỏi khó./.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Hiền Trang