Tiết kiệm năng lượng: Đã đến lúc cần có chế tài ràng buộc việc “tiết kiệm năng lượng”?

Cải tiến trang thiết bị hay đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, tái sử dụng nguồn nhiệt thải… là cách nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên theo dữ liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, và cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại. Chính vì vậy không ít ý kiến cho rằng hoạt động tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn cần phải có thêm cơ chế ràng buộc.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên hiện số doanh nghiệp chủ động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn rất hạn chế. Một trong nhưng nguyên nhân của thực trạng này là do mặc dù Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 đã có những quy định về cơ chế tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hoặc các doanh nghiệp đầu tư mở rộng các dây truyền sản xuất thay thế máy móc và thiết bị, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tuy nhiên qua thực tế triển khai những chính sách ưu đãi về tài chính còn chưa đi vào thực tế.

Tuy nhiên, theo ý kiến các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tiết kiệm năng lượng và các chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi của thực trạng các doanh nghiệp còn thờ ơ với việc tiết kiệm năng lượng là thời gian qua việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Việt Nam mới dừng lại ở việc khuyến khích người dân, DN, mà chưa có cơ chế bắt buộc. Xét trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và thiếu điện như hiện nay, điều này không công bằng với những doanh nghiệp chủ động cải tiến thiết bị, thay đổi công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng.

Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năm tiêu thụ năm, thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Những con số này càng cho thấy rõ, cần có chế tài ràng buộc các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng là yêu cầu hợp lý.     

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh