Còn nhiều dư địa để tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam

Nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất là góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.Theo thống kê của Bộ Công Thương, dư địa để tiết kiệm năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp vẫn còn nhiều. Tiếc là số doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất vẫn còn rất hạn chế.

Với hơn 10.000 công nhân may và diện tích nhà xưởng là 132.967m2, 4 năm trở lại đây bình quân mỗi năm doanh nghiệp này tiêu thụ khoảng 1.400- 1.500TOE điện. Đang trong lộ trình hướng tới mục tiêu xanh hóa sản xuất nên, để giảm thiểu lượng điện sản xuất từ than đá doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống điện áp mái.

Với công suất khoảng 2.000Kwh/năm, hai hệ thống điện áp mái này đã đáp ứng được 15% lượng điện tiêu thụ hàng năm của Crytal Martin. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể cắt giảm được 1.450 tấn CO2/năm. Không dừng ở việc xây dựng điện áp mái, doanh nghiệp này đã nghiên cứu tìm phương án đổi mới công nghệ cho hệ thống cung cấp nhiệt lạnh cho công ty, bởi nguồn điện cấp cho việc làm lạnh chiếm tới 50% tổng lượng điện tiêu thụ của nhà máy.

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 2011 đến nay, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam vẫn ở mức khoảng 400 TOE mới tạo 1.000 USD/GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 60% so với Malaysia và gấp 4-5 lần các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam vẫn đang ở mức 1,3-1,4 lần, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí. Nói một cách khác, dư địa về tiết kiệm năng lượng của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Những vấn đề liên quan đến tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là vấn đề hết sức quan trọng của mọi quốc gia. Bởi, nguồn năng lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tất cả các ngành sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng và ngay cả các hộ gia đình, nhu cầu năng lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Để giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng, về mặt vĩ mô phải có sự chuyển dịch ngành nghề kinh tế theo hướng xanh hóa, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện trên một đơn vị sản phẩm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh -

Hồng Dũng