COP26: Không được mua lại điện - Điện áp mái không còn hấp dẫn

Trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền Bắc, việc bổ sung kịp thời các nguồn điện tái tạo có ý nghĩa quan trọng. Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các toà nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Nhưng hiện nay, việc phát triển loại hình nguồn điện này còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư.

Là hộ dân đầu tiên lắp đặt hệ thống Điện mặt trời mái nhà tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, (từ năm 2018), ông Nguyễn Văn Vụ cho biết dù giá lắp đặt nguồn điện này hiện đã rẻ hơn so với trước nhưng vẫn cần vốn không hề nhỏ. Dao động trong khoảng 16 - 20 triệu đồng/kW, với mỗi hộ dân nếu tiêu thụ điện với hoá đơn trên 1 triệu đồng/tháng thì ít nhất cũng cần đầu tư một hệ thống điện mặt trời mái nhà tối thiểu từ 3-5kW và cần 5-7 năm mới hoàn vốn. Trong khi ở miền Bắc, nắng không dồi dào như miền Nam.

Việc sử dụng điện áp mái mang lại nhiều lợi ích nhưng chính sách bây giờ điện dư thừa lại không được mua lại hoặc hòa lưới điện nữa, nên nhiều gia đình ở trong thôn trước đây có ý định đầu tư nguồn điện sạch này để sử dụng thì nay đều hoãn lại.

Theo kinh nghiệm một số hộ dân đang sử dụng điện mặt trời áp mái ở đây, việc lắp đặt nguồn điện này chỉ phù hợp với các hộ sử dụng nhiều điện vào ban ngày. Những hộ sử dụng ít điện vào ban ngày thì rất khó để họ đầu tư. Do chi phí để lắp đặt hệ thống lưu trữ điện mặt trời rất đắt đỏ, điện dư thừa ban ngày không được nhà nước mua lại.  

Nguồn điện tại chỗ đang rất cần ở khu vực miền Bắc - nơi đã chứng kiến cảnh thiếu điện trầm trọng trong cao điểm mùa hè vừa qua. Rất cần những cơ chế phù hợp để triển nguồn điện tại chỗ, những khuyến khích có lợi cho các bên để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam