Đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 43

Sáng 1/11, phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Thảo luận về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Nghị quyết được ban hành tại kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã giúp cho việc phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đưa nước ta ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm để triển khai thực hiện Nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời gian thực hiện không đạt hoặc là đạt, hiệu quả chưa cao.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại nghị quyết....

Theo đại biểu, cần đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện các chính sách tiền tệ về kết quả huy động các nguồn lực và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đặc thù cũng như số vốn đã giải ngân trong lĩnh vực y tế. Về hiệu quả và tình hình giải ngân cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ cấp xã hội, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm; tình hình và kết quả triển khai cấp vốn đều lại cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; hiệu quả và tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đại biểu nhấn mạnh, đây là các nhiệm vụ để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về kết quả và tác động của các cơ chế, chính sách đã thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, nhiều cơ chế chính sách trong nghị quyết chưa thực hiện hoặc là đã thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số