Đến 2030: 50% toà nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không cạn kiệt. Sử dụng điện mặt trời mái nhà đang là yếu tố quan trọng hướng tới mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt và sản xuất.

Mặt khác, sử dụng điện mặt trời còn làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hàng hoá khi áp dụng chứng chỉ xanh. Tại Quy hoạch điện VIII cũng đã đưa ra cơ cấu phát triển điện mặt trời trong đó, quy mô điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 2.600MW, với lộ trình phấn đấu 50% toà nhà công sở và nhà dân lắp đặt tính đến năm 2030. Nhưng, hiện nay tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất vẫn còn ít. Các nhà dân, các công sở cũng còn gặp nhiều rào cản nên còn chưa mặn mà sử dụng. Vậy cần chính sách nào để thúc đẩy phát triển nguồn điện này đảm bảo mục tiêu đã đề ra?

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, điện mặt trời hơn 12.800 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung hơn 10.200 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW”.

Quy mô điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 phát triển đạt khoảng 2.600MW theo nguyên tắc: Tính toán công suất tăng thêm phù hợp với quy mô phát triển tại Quy hoạch điện VIII; công suất theo từng tỉnh, trên cơ sở tính toán công suất tiềm năng kỹ thuật tại các khu công nghiệp.

Đặc biệt, về điện mặt trời mái nhà khu vực công sở, nhà dân, kế hoạch thực hiện theo lộ trình phấn đấu độ bao phủ đạt 50% số tòa nhà công sở và nhà dân vào năm 2030. Theo Bộ Công Thương, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1KW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (2021 – 2030) đặt ra.

 

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Hiền Trang