Điểm báo: Chặn chiêu trò bán dự án “ma”

Chặn chiêu trò bán dự án “ma”; Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong khó khăn; “Giá đỡ” an sinh giúp lao động tự do có lương hưu khi về già; Hỗ trợ lao động mất, giảm việc làm: Cần giải pháp bền vững ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 13/9/2023.

CHẶN CHIÊU TRÒ BÁN DỰ ÁN “MA”

Quy định pháp lý nhằm quản lý đội ngũ môi giới bất động sản (BĐS) còn bỏ ngỏ, từ đó tạo kẽ hở cho các nhân viên môi giới tự do tiếp tay lừa đảo, khiến niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng bị giảm sút. 

Hiện nay dù có các quy định xử phạt, Môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui, mọi chủ thể, cá nhân đều dễ dàng tham gia. Theo đó, luật pháp hiện hành đã có các quy định xử phạt môi giới BĐS không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, chính xác hồ sơ, thông tin về BĐS cũng như kinh doanh dịch vụ môi giới mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết hạn. Tuy nhiên, mức phạt không nhiều, dao động từ 10 - 25 triệu đồng. Hơn thế nữa cũng chưa có quy định cơ quan nào là quản lý. Do đó, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. 

Như vậy, vị trí của nghề môi giới BĐS nay đã chính thức được công nhận. Mong rằng, những quy định luật pháp rõ ràng trong việc kiểm soát hoạt động công việc này sẽ phát huy tác dụng góp phần ổn định thị trường BĐS VN trong thời gian sắp tới.

DOANH NGHIỆP TÌM KIẾM CƠ HỘI TRONG KHÓ KHĂN

Thời báo tài chính VN sáng 13/9 có bài viết, tình hình các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa...

Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn, nên khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng thì hoạt động xuất khẩu sẽ bị gián đoạn, bởi vậy cần mở rộng giao thương với các thị trường trong các FTA đã ký kết. Theo các chuyên gia, Thay vì chỉ tập trung sâu một số thị trường lớn, các doanh nghiệp cần khai thác cơ hội từ các FTA để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác. Mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch từ thị trường nhập khẩu. Do đó, các chuyên gia đã nhấn mạnh yêu cầu, cần rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“GIÁ ĐỠ” AN SINH GIÚP LAO ĐỘNG TỰ DO CÓ LƯƠNG HƯU KHI VỀ GIÀ

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do không chỉ được hỗ trợ mức đóng mà quyền lợi của loại hình bảo hiểm xã hội này đang ngày càng được mở rộng. Đây chính là “giá đỡ” an sinh giúp người lao động tự do an tâm hưởng lương hưu khi về già.

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể, Hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Đồng thời người dân cũng được hưởng nhiều quyền lợi khác. như: có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời. 

HỖ TRỢ LAO ĐỘNG MẤT, GIẢM VIỆC LÀM:  CẦN GIẢI PHÁP BỀN VỮNG

Tình trạng người lao động bị mất, giảm việc làm có thể xảy ra nhiều hệ lụy, vì vậy, chính sách hỗ người lao động cần chú trọng nhiều hơn vào đào tạo, nhằm duy trì việc làm một cách bền vững, tăng khả năng chống chịu trước những thách thức thay đổi.

Theo các chuyên gia, Các chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh này cần sát hơn, cũng như cần các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa... để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Từ đó, người lao động sẽ có công ăn, việc làm.  Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng cần hướng tới đảm bảo việc làm, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động. Ngoài ra, vẫn cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để người lao động bị mất việc có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng khi mất việc không đủ tiền duy trì cuộc sống, họ buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.