Điểm báo: Chủ động đảm bảo an ninh lương thực và dư địa để xuất khẩu gạo

Chủ động đảm bảo an ninh lương thực và dư địa để xuất khẩu gạo; Tín dụng bất động sản đang hướng vào nhu cầu thật; Lạm thu trong trường học: đừng cấm trên giấy; Lý do du lịch đêm hà nội chưa thể bứt phá;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 23/8.

CHỦ ĐỘNG ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC VÀ DƯ ĐỊA ĐỂ XUẤT KHẨU GẠO 

Bài viết trích dẫn ý kiến TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nguồn cung lương thực thế giới đang biến động mạnh, mở ra cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam về lượng và giá. Thời gian tới, để đảm bảo an ninh lương thực cần duy trì được nguồn cung cũng như khả năng tiếp cận của người dân, dự trữ ổn định. Trong đó nguồn cung cần được tính toán kĩ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường có xét đến bối cảnh khó đoán định. Người dân phải luôn mua được gạo với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

TÍN DỤNG BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG HƯỚNG VÀO NHU CẦU THẬT 

Bên cạnh vướng pháp lý thì thiếu vốn là khó khăn chính của thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản lo lắng nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ khiến hàng ngàn dự án không thể triển khai, tiếp tục đi vào ngõ cụt.

Theo bài viết trên báo Lao động,  những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, Trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.  Bên cạnh đó cũng cần lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước, tháng 6.2022 là 1,53%, tháng 6.2023 là 2,47%.

LẠM THU TRONG TRƯỜNG HỌC: ĐỪNG CẤM TRÊN GIẤY 

Gần đến ngày khai giảng năm học mới, phụ huynh học sinh lại nín thở chờ thông báo các khoản thu đầu năm. các quy định, văn bản hướng dẫn chi tiết về các khoản thu trong trường học cũng được ban hành nhưng tại sao đến hẹn lại lên, lạm thu vẫn là vấn đề nóng? 

Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị, nhìn nhận khách quan thì đa số nhà trường thực hiện cơ chế thu chi chặt chẽ, đúng quy định. Có trường tự bỏ tiền ra mua sắm, sửa sang điều hòa, rèm cửa, tận dụng và chắt chiu để khóa sau học sinh dùng mà không cần đóng góp. Ngược lại, đâu đó vẫn thấy niềm tin xã hội đối với vấn đề minh bạch thu chi trong nhà trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Vẫn có người quả quyết cho rằng, Lạm thu rất khó mất đi hoặc sẽ biến tướng, núp bóng dưới hình thức khác, trong đó có hình thức tự nguyện. Thế nên mới xảy ra việc phụ huynh miệng thì nói tự nguyện nộp tiền mua điều hòa, cây nước, quạt điện, máy chiếu… nhưng trong lòng lại rất bực bội, thậm chí bức xúc với khoản thu trên.

LÝ DO DU LỊCH ĐÊM HÀ NỘI CHƯA THỂ BỨT PHÁ 

Thiếu chính sách khuyến khích, thiếu quy hoạch khiến du lịch đêm của Hà Nội chưa thực sự bứt phá. Bài viết trên báo điện tử Vnxpress.

Theo bài viết, Kinh tế đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng gần đây, tuy nhiên chưa thực sự bứt phá. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư sản phẩm du lịch về đêm, chưa quy hoạch không gian để xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt. Cũng theo bài viết, Hà Nội chưa có quy hoạch các điểm chơi đêm rõ ràng. Nhiều quán bar, nhà hàng ở phố cổ nằm trong khu dân cư, khó hoạt động muộn, hoạt động vui chơi, ẩm thực đường phố của Hà Nội cũng xung đột với hoạt động an ninh trật tự…

Truyền hình Quốc hội Việt Nam