Điểm báo: Giải “cơn khát” nhân lực ngành bán dẫn

Giải “Cơn khát” nhân lực ngành bán dẫn; Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ; Nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng sau Tết, thị trường liệu đã "ấm" lại?; Tăng trần giá vé máy bay, du lịch nội địa lo “đói” khách… Là những tin có trong điểm báo sáng 23/2.

GIẢI “CƠN KHÁT” NHÂN LỰC NGÀNH BÁN DẪN

Dự báo, 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn lên tới 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm nhưng khả năng đáp ứng của thị trường lao động chưa đến 20%. Bài viết đáng chú ý trên báo Lao động.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.    

TIỀM NĂNG LỚN CỦA THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ

Hiện tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt hơn 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Trên báo Đại đoàn kết có bài viết: Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%. Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều dư địa để phát triển.    

NHU CẦU TÌM KIẾM BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG SAU TẾT, THỊ TRƯỜNG LIỆU ĐÃ "ẤM" LẠI?

So với đầu năm 2023, thị trường bất động sản đầu năm nay có những dấu hiệu tích cực hơn cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Trên Thời báo Tài chính Việt Nam có bài viết về nội dung này.

Nhu cầu tìm kiếm bất động sản bán toàn quốc trong tháng 1/2024 tăng 66% so với cùng kỳ 2023, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 52%. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đất nền và đất dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh hơn cả chung cư. Cũng theo bài viết, tâm lý của các bên mua, bán bất động sản đã không còn quá dè chừng như trong năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023. Chỉ số này tăng lên nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá bất động sản, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.    

TĂNG TRẦN GIÁ VÉ MÁY BAY, DU LỊCH NỘI ĐỊA LO “ĐÓI” KHÁCH

Từ 1/3/2024, Thông tư số 34 sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ có hiệu lực. Theo đó, giá trần vé máy bay sẽ được điều chỉnh tăng. Thông tư này đã khiến doanh nghiệp lo ngại du lịch nội địa "đói" khách trong những dịp cao điểm.

Theo báo Kinh tế và đô thị, khách du lịch thuộc nhóm đối tượng "nhạy cảm về giá”, điều này thể hiện rõ qua tình trạng "khan khách" của du lịch Phú Quốc. Giá vé máy bay tăng đang là một thách thức đối với ngành du lịch. Đặc biệt, trong mùa thấp điểm khi có thể làm giảm sức hấp dẫn của du lịch nội địa khiến thị trường trong nước đói khách, các địa phương sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng. Để tour nội địa không lép vế trước tour ngoại các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành hàng không nên phối hợp với đại lý vé máy bay tung ra các loại vé khuyến mại, từ đó khuyến khích hành khách có kế hoạch sớm mua vé nhằm tiết kiệm chi phí và thêm nhiều lựa chọn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam