Điểm báo: Vì sao nửa năm chưa giải ngân được 1% gói 120.000 tỷ đồng?

Vì sao nửa năm chưa giải ngân được 1% gói 120.000 tỷ đồng?; Ứng xử với 'phim mạng'; Siết quản lý bữa ăn bán trú; Kích cầu tiêu dùng từ mỗi người dân ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 20/10/2023.

VÌ SAO NỬA NĂM CHƯA GIẢI NGÂN ĐƯỢC 1% GÓI 120.000 TỶ ĐỒNG?

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, sau nửa năm triển khai Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 83 tỷ, tức chưa đến 0,07%. “Vì sao chưa giải ngân được 1% gói 120 nghìn tỷ đồng?” Đây là tiêu đề bài viết trên báo điện tử VnExpress. Nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, điều kiện hưởng chính sách chưa phù hợp là những nguyên nhân chính khiến gói tín dụng này hầu như chưa giải ngân được. Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà bởi các yếu tố về giá thành, vị trí, quy hoạch, hạ tầng. Theo VnExpress, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, một nguyên nhân khác khiến gói 120.000 tỷ đồng vẫn "ế" là lãi suất chưa hấp dẫn.

ỨNG XỬ VỚI 'PHIM MẠNG'

Những ngày qua, lùm xùm từ bộ phim Đất rừng phương Nam thu hút nhiều ý kiến từ dư luận. Từ chuyện này, người ta lại “bàn tiếp” về phim trên không gian mạng với quá nhiều bất cập. Báo Đại đoàn kết có bài viết về nội dung này. Theo Đại đoàn kết, Nhìn chung, phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình, thì phim chiếu trên mạng có cảm giác như không chịu một sự kiểm soát nào. Việc này dẫn tới sự thiếu công bằng trong chính thị trường điện ảnh. Đối với “phim mạng”, vấn đề ai cho phép? Ai kiểm soát? Ai quản lý? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Ứng xử đúng với “phim mạng” cũng góp phần làm lành mạnh không gian mạng, điều mà xã hội đã trông đợi từ lâu.    

SIẾT QUẢN LÝ BỮA ĂN BÁN TRÚ

Thời gian qua, tại bếp ăn bán trú ở một số trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh đã xảy ra nhiều lùm xùm về an toàn thực phẩm, định lượng suất ăn. “Siết quản lý bữa ăn bán trú” là bài viết trên Báo Kinh tế và đô thị. Theo Kinh tế và đô thị, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, thì việc kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú học đường cần có sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường. Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn. Đồng thời nâng cao vai trò của Hiệu trưởng trong việc chịu trách nhiệm về bếp ăn ở trường học. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp suất ăn và các nhà trường cần làm bằng cái tâm, đặt sức khỏe học sinh lên trên hết để mang đến những bữa ăn bán trú chất lượng cho học sinh.     

KÍCH CẦU TIÊU DÙNG TỪ MỖI NGƯỜI DÂN

Việt Nam kỳ vọng GDP năm 2023 sẽ đạt 6%. Và để đạt được mức tăng trưởng này thì  dịch vụ và tiêu dùng là 2 yếu tố quan trọng. Vậy làm thế nào để người dân có được tâm lý vui chơi, các con đường mua sắm sôi động trở lại? Báo Tuổi trẻ có bài viết về vấn đề này. Theo Báo Tuổi trẻ, nếu Thái Lan, Malaysia và các nước châu Âu có chủ trương kích thích tiêu dùng bằng cách bỏ tiền vào ví từng người dân hoặc giảm giá mạnh hàng hóa thì Việt Nam tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách tăng trưởng vĩ mô để nhờ đó người dân hưởng lợi theo kiểu "nước lên, thuyền lên". Chính phủ cũng vừa giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội kéo dài thời gian giảm thuế VAT tới giữa năm 2024. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh sức mua thị trường còn chậm.    

Truyền hình Quốc hội Việt Nam