Đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện: Việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức

Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Uỷ ban Tư pháp tán thành đa số các nội dung trong Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên, một số nội dung lớn, quan trọng, vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có vấn đề, đa số ý kiến của Uỷ ban Tư pháp đề nghị không quy định trong Dự thảo Luật.

Về nội dung Toà án thực hiện quyền tư pháp trong Dự thảo Luật, đa số ý kiến của Uỷ ban Tư pháp tán thành, nhưng cũng có ý kiến cho rằng Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ không quy định nội dung quyền lập pháp, quyền hành pháp, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Về nội dung quy định tổ chức Toà án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện, Đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp không tán thành với lý do: việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung.

Về quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”, Đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Quy định này dễ gây nhầm lẫn sang thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của UBTVQH quy định tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam