Đức muốn chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga từ cuối năm 2022

Đức muốn chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, bất chấp các ngoại lệ liên quan lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga mà Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra. Đây là tuyên bố vừa được Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU ở Brussels, Bỉ.

Nhà lãnh đạo Đức khẳng định, dù lệnh cấm của EU trước mắt chỉ áp dụng với dầu mỏ của Nga được vận chuyển qua đường biển nhưng Berlin vẫn muốn ngừng nhập khẩu dầu của Nga vận chuyển qua đường ống Druzhba vốn đưa dầu mỏ của Nga tới 5 nước Châu Âu. Theo đó, Đức sẽ nỗ lực để tới cuối năm 2022 có thể ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: “Bất kể quyết định nào được đưa ra, thì chính phủ Đức vẫn sẽ tiếp tục để ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Những nỗ lực này sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của EU. Và quốc gia láng giềng Ba Lan của chúng tôi, cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự.”

Ngoài ra, Đức cũng sẽ nỗ lực để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga vốn chiếm khoảng 35% tổng mức tiêu thụ trong nước. Thời hạn mà Đức đặt ra cho việc chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga là vào mùa hè năm 2024. 

Trước đó, EU đã đạt được thỏa thuận về việc áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga và cũng là gói biện pháp khắc nghiệt nhất của khối này nhằm vào Moscow kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. Theo giới phân tích, lệnh cấm này sẽ gây ra nhiều tác động đến thị trường toàn cầu.

Bà SOFIA DONETS - Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Renaissance Capital: “Đầu tiên, lệnh trừng phạt này có thể khiến giá dầu trên thị trường toàn cầu tăng vọt. Một số ý kiến cho rằng, giá dầu có thể lên tới 180-190 USD/thùng. Tác động thứ 2 là sự giảm giá của đồng rúp, đồng rúp hiện đang rất mạnh nhưng chắc chắn, ảnh hưởng của lệnh cấm sẽ dẫn đến việc đồng rúp mất giá - có thể là thêm 10%. Thứ 3, chắc chắn chúng ta sẽ thấy sự phân phối lại hàng xuất khẩu của Nga.”

Giới quan sát nhận định, việc EU cắt phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ làm thay đổi toàn diện thị trường năng lượng toàn cầu. Trước mắt, thị trường sẽ chịu một cú sốc lớn do EU phải tăng cường mua từ các nước khác để bù đắp, đẩy giá dầu tăng hơn nữa. Mặt khác, giá tăng sẽ tự động đẩy tiêu thụ dầu mỏ giảm. Theo tính toán, nếu giá dầu tăng thêm 30 USD/thùng, nhu cầu thế giới sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày.
 

Đinh Giang