Gặp gỡ văn hoá: Hoạ sĩ Lê Hữu Hiếu và hành trình mang hồn Việt ra triển lãm thế giới

Nghệ thuật là phương tiện để diễn đạt hay trao truyền cảm xúc và ý tưởng, một phương tiện để khám phá và thưởng thức cái đẹp. Mỗi một nghệ sĩ đều có cách thể hiện của riêng mình để giúp công chúng có thể cảm nhận được cái đẹp thông qua những tác phẩm của mình. Và ẩn sau trong đó còn có những câu chuyện, những ý nghĩa lớn lao được gửi gắm qua những tác phẩm nghệ thuật.

Với lịch sử 129 năm, Biennale Venezia là một đại triển lãm, được xem là “Thế vận hội - Olympic của mỹ thuật”, được coi là một hình thái triển lãm nghệ thuật quốc tế đầu tiên trên thế giới. Triển lãm lưỡng niên Venice - La Biennale di Venezia (quốc tế quen gọi “Venice Biennale”) - bắt đầu khai mạc phiên bản đầu tiên vào năm 1895. Với một truyền thống lịch sử lâu đời cho đến nay, là nơi xuất hiện của nhiều tác phẩm nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia với các gương mặt nghệ sĩ tài năng. Qua thời gian, triển lãm mỹ thuật quốc tế này được đánh giá đang trở thành một cuộc trưng bày đồ sộ, tuyên ngôn về ý chí, hay sự sắp đặt để trò chuyện và say sưa trong những tương tác với những nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, trong lịch sử gần 130 năm của đại triển lãm này, sự góp mặt của mỹ thuật Việt Nam vẫn còn đang thiếu bóng.

Nhưng điều đó sẽ được thay đổi vào năm 2026, khi những tác phẩm trong bộ sưu tập mang tên “ Tằm” của hoạ sĩ Lê Hữu Hiếu lần đầu tiên đại diện cho Việt Nam có mặt tại đại triển lãm này.

Hoạ sĩ Lê Hiếu hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh từng có triển lãm cá nhân “Mặc” năm 2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; năm 2016 tham dự sự kiện Spectrum - Miami Art Fair 2016 cùng triển lãm Contemporary Art Projects tại Mỹ; năm 2017, nghệ sĩ này tham gia triển lãm “Tam tấu” tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Tháng 10/2021, triển lãm “Năng lượng tâm hồn” của Lê Hữu Hiếu đã được chú ý qua các Đài truyền hình và Tạp chí nghệ thuật, đại diện Bộ Văn hóa Italia, Thị trưởng thành phố Venice, các nhà hoạt động nghệ thuật với những đánh giá rất tích cực. Ông Massimo Faranda, Chủ tịch Hiệp hội văn hóa MoCa Italy đã có cảm nhận: Với không gian triển lãm gần 1.000 m2, triển lãm đã gây kinh ngạc cho các cơ quan truyền thông, các giám tuyển và khán giả... Đây không những là triển lãm chính thức đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam tại Italia mà còn là triển lãm cá nhân đầu tiên của một nghệ sĩ châu Á tại Arsenale Nord, Venice.

Việc họa sĩ Lê Hữu Hiếu được mời tham dự Biennale Venezia là vinh dự lớn, mở đường đưa nghệ thuật của Việt Nam vươn ra thế giới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hương Quỳnh